Chóng vánh thả tàu, Iran giữ lửa quan hệ với Mỹ

Tàu tuần tra của Mỹ bị giữ tại Iran trước khi trao trả hôm 13/1. Ảnh: AP
Tàu tuần tra của Mỹ bị giữ tại Iran trước khi trao trả hôm 13/1. Ảnh: AP
Việc Iran nhanh chóng thả thủy thủ Mỹ xâm phạm lãnh hải cho thấy hai bên không muốn làm hỏng thỏa thuận hạt nhân, cũng như quan hệ ấm lên giữa quan chức ngoại giao hai nước.

Hai tàu tuần tra tốc độ cao của Mỹ cùng các thủy thủ bị Tehran bắt giữ hôm 12/1 khi đang trên đường từ Kuwait đến Bahrain, vì đi lạc vào lãnh hải Iran. Sau một đêm bị cầm giữ, 10 thủy thủ Mỹ đã được Iran đưa trở lại vùng biển quốc tế.

Theo cây bút Cassandra Vinograd trên NBC, vụ việc được giải quyết nhanh chóng vì cả hai bên đều lo ngại nó sẽ biến thành một biến cố quốc tế. Chính quyền Mỹ và Iran đều muốn tránh gây nguy hại cho thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5 +1 (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ + Đức) ký kết vào năm ngoái.

"Rõ ràng, Mỹ và Iran đang có lợi ích chung trong việc duy trì quan hệ để giữ toàn bộ chuyện này (thỏa thuận hạt nhân) khỏi chệch hướng", Gary Sick, chuyên gia nghiên cứu Iran ở Đại học Columbia, đồng thời là cựu thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận xét.

"Họ có mọi lý do để tránh một cuộc khủng khoảng. Cả Mỹ lẫn Iran đều không muốn nó".

Tin tức 10 thủy thủ Mỹ bị Iran bắt giữ nhận được phản ứng gần như tức thời từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Họ cho rằng sự cố này cho thấy thỏa thuận hạt nhân, trong đó Tehran đồng ý thu hẹp chương trình hạt nhân để được dỡ bỏ trừng phạt quốc tế, nên bị hủy bỏ.

Trong khi đó, chính quyền Obama coi thỏa thuận hạt nhân là một thành tựu quan trọng và không muốn làm bất cứ điều gì gây nguy hại cho nó.

"Mỹ gần như chắc chắn không cần một cuộc đối đầu với Iran ngay bây giờ, ngay cả khi không vì lý do bảo vệ thỏa thuận hạt nhân", giáo sư Shibley Telhami ở Đại học Maryland, đồng thời là chuyên gia ở Viện Brookings, nhận định.

Trong khi đó, chính phủ Iran muốn bảo đảm rằng nước này sẽ có nguồn thu hàng tỷ USD từ bán dầu thô, sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân.

Chóng vánh thả tàu, Iran giữ lửa quan hệ với Mỹ ảnh 1

Các sĩ quan quân đội Iran (trái) thẩm vấn các thủy thủ Mỹ trước khi thả họ. Ảnh: Twitter

Quan hệ ấm lên

Ngay sau khi tin tức về vụ bắt giữ được loan báo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. Các quan chức Iran ban đầu thể hiện quan điểm cứng rắn nhưng sau đó công khai nhấn mạnh rằng vụ xâm nhập lãnh hải không mang tính đe dọa.

Giáo sư Telhami cho rằng tình hình có thể dễ dàng biến thành một cuộc khủng hoảng nhưng đã được giải quyết êm thấm vì "họ xử lý một cách đúng đắn", ông Telhami nói.

Toàn bộ diễn biến của vụ việc có nét tương đồng với sự cố năm 2007, nhưng có kết quả khác hẳn. Tháng ba năm đó, 15 binh sĩ Anh bị lực lượng Vệ binh cách mạng Iran bắt giữ, sau khi bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải. Họ bị cầm giữ 13 ngày và chỉ được trả tự do sau khi một cuộc khủng hoảng ngoại giao quốc tế nổ ra.

Trái lại, sự cố Mỹ - Iran trong tuần này được giải quyết trong vòng chưa đến 24 giờ đồng hồ. "Vụ việc đã được giải quyết nhanh hết sức có thể, nếu so với những sự cố tương tự từng xảy ra", chuyên gia Gary Sick nói.

Ông cho rằng đây là minh chứng cho thấy quan hệ gữa Iran và Mỹ đã biến chuyển mạnh mẽ. Việc Ngoại trưởng Kerry có thể gọi điện cho người đồng cấp Zarif 5 lần trong tiến trình giải quyết đã nói lên nhiều điều.

"Chuyện này không thể xảy ra hai cách đây hai năm. Ngày ấy có khi ông Kerry còn không biết số nào để gọi và nếu gọi được, chắc chắn sẽ có sự ngờ vực lớn từ phía đầu dây bên kia", ông Sick bình luận.

Cả hai nước đã "nhã nhặn hết mức" để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân và một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước, Sick giải thích.

Hai năm đàm phán giữa Iran và phương Tây không chỉ mang lại một thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà còn cả một mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Các quan chức ngoại giao Mỹ và Iran đã thêm hiểu nhau trên phương diện cá nhân và cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện với nhau.

Trước cuộc đàm phán hạt nhân, quan chức ngoại giao Mỹ hoàn toàn không có mối quan hệ nào với các đồng nghiệp Iran và phần lớn dựa vào nước khác để truyền tải các thông điệp.

"Khả năng giải quyết rất nhanh chóng là điều hoàn toàn mới mẻ. Nó không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ gặp rắc rối với Iran nữa, nhưng việc giải quyết rốt ráo vụ việc cho thấy quan hệ đã cải thiện" , ông Sick nhận xét

Bằng chứng cho sự thay đổi trong quan hệ Mỹ - Iran được thể hiện rõ ràng trong tuyên bố của hai ông Kerry và Zarif, sau khi các thủy thủ Mỹ được trả tự do.

Lời lẽ của họ tương tự nhau và cả hai đều khen ngợi tầm quan trọng của ngoại giao trong việc đạt được kết quả tích cực.

"Tôi muốn bày tỏ cảm ơn đến giới chức Iran vì đã hợp tác giải quyết nhanh chóng vấn đề này", ông Kerry nói sau khi các thủy thủ được thả. "Vấn đề này được giải quyết ôn hòa và hiệu quả, là minh chứng cho vai trò quan trọng của ngoại giao".

"Rất vui khi thấy đối thoại và sự tôn trọng, chứ không phải những lời đe dọa hay sự hung hăng, đã giúp giải quyết nhanh chóng vụ các thủy thủ bị bắt giữ. Hãy rút ra bài học từ vụ việc này", ông Zarif viết trên tài khoản Twitter của mình.

Tuy nhiên, cây bút Cassandra Vinograd cho rằng, điều quan trọng là không phóng đại bất kỳ sự nồng ấm nào giữa Mỹ và Iran. Vụ cầm giữ thủy thủ Mỹ có thể đã gây âu lo khắp thế giới, "đó là minh chứng cho thấy những tia lửa nhỏ có thể làm bùng lên một ngọn lửa lớn trong khu vực đầy biến động như Trung Đông", Vinograd viết.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG