Chuyện ít biết về người sáng tác lời quốc ca Liên Xô

Chuyện ít biết về người sáng tác lời quốc ca Liên Xô
TP - Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” đã công bố một trong những chương hay nhất của cuốn sách mang tựa đề “Xtalin tán thành phần lời của chúng tôi” kể lại những nỗ lực tập thể đã thúc đẩy quốc ca mới của Liên Xô ra đời như thế nào.
Chuyện ít biết về người sáng tác lời quốc ca Liên Xô ảnh 1
Ảnh tư liệu (chụp năm 1944). Từ trái sang phải: Rêghixtan, Alếchxanđrốp, Minkhancốp

Mùa hè 1943, chính phủ Liên Xô thông qua quyết định sáng tác quốc ca mới thay cho “Quốc tế ca”. Thời gian này tôi và nhà thơ El Rêgixtan, bạn tôi, thường ra mặt trận công tác, thỉnh thoảng mới về Matxcơva.

Một lần khi ghé thăm khách sạn nơi anh nghỉ lại, tôi gặp một nhóm các nhà thơ thủ đô nổi tiếng sau khi họ đã có cuộc họp quan trọng với Nguyên soái Vôrôsilốp (Nhân vật số 2, chỉ đứng sau Xtalin ở Liên Xô lúc bấy giờ).

Tại đây Nguyên soái cho biết, Liên Xô muốn có quốc ca mới để đáp ứng kịp thời tình hình và nhiệm vụ to lớn trước mắt, khi cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống chủ nghĩa phát xít đã chuyển giai đoạn.

Sẽ công bố thể lệ cuộc thi sáng tác quốc ca, lôi cuốn sự tham gia của tất cả các nhạc sỹ, nhà thơ nổi tiếng của đất nước. Rêgixtan bảo tôi: “Lẽ nào chúng ta ở ngoài cuộc!”.

Dựa vào yêu cầu: Âm nhạc phải giục giã, thôi thúc, lời ca phải hùng tráng, thống thiết dưới dạng các khổ thơ, còn nội dung phải bám sát Hiến pháp Liên Xô, chúng tôi bắt đầu tham khảo phần lời chính ca “Bài ca về Đảng Bônsêvích” trên nền nhạc của A.Alêchxanđrốp.

Hồi ký của nhà thơ Xécgây Mikhancốp – Tác giả phần lời của quốc ca Liên Xô, sắp ra mắt bạn đọc.

Trong 2 tháng, tôi và Rêghixtan đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Chúng tôi gửi phần lời cho nhạc sỹ tài năng Đ.Đ.Sôxtacôvis và tiếp tục đi công tác ngoài mặt trận.

Sôxtacôvis đã viết phần nhạc và sau đó gửi đến Hội đồng thẩm định đứng đầu là Vôrôsilốp. Tại mặt trận, chúng tôi nhận được lệnh khẩn trở về Matxcơva gặp Vôrôsilốp.

- Đồng chí Xtalin chú ý đặc biệt đến phần lời của các anh – Ông nói. Tuy vậy các anh cũng không nên quá tự hào. Chúng tôi sẽ làm việc tiếp với các anh.

Trên bàn làm việc của ông là cuốn sách màu đỏ trong đó có đầy đủ các phương án phần ca từ quốc ca của hàng chục tác giả nổi tiếng. Ở trang 83 là phần lời của chúng tôi đã được Xtalin đánh dấu.

- Như vậy nền đã có rồi - Vôrôsilốp nói tiếp - nhưng các anh hãy đọc và suy nghĩ kỹ những nhận xét của đồng chí Xtalin. Đồng chí ấy cho rằng không nên viết câu: “Xtalin là sự lựa chọn của nhân dân”, mà câu đó nên dành cho Lênin vĩ đại.

Chúng tôi tiếp tục chỉnh sửa. Ngày 28/10, chúng tôi được lệnh đến gặp Xtalin. Không bị kiểm tra giấy tờ, chúng tôi được viên đại tá Đội trưởng Đội cảnh vệ của Xtalin đưa thẳng đến phòng khách của ông.

Tại đây 2 nguyên soái trang phục oai phong lẫm liệt đang chờ đến lượt vào báo cáo với Tổng tư lệnh tối cao. Họ rất ngạc nhiên thấy chúng tôi, một mới đeo lon thiếu tá, một đại úy, đi những đôi ủng bụi bặm.

Đúng 22 giờ 30 phút, Pôscrêbưsép – Thư ký riêng của Xtalin đưa chúng tôi vào phòng làm việc của ông. Chúng tôi nhìn thấy các Ủy viên Bộ chính trị: Môlôtốp, Beria, Vôrôsilốp, Malencốp, Sécbacốp đã ngồi đấy từ trước. Xtalin cầm tờ giấy đứng ngay trước mặt chúng tôi.

- Chúng ta hãy làm quen với nhau – Xtalin nói – Về cơ bản tôi tán thành phần lời của các đồng chí, song cũng cần suy nghĩ, cân nhắc thêm.

- Xin đồng chí cho từ nay đến sáng mai – Tôi trả lời.

- Không, phải dứt điểm hôm nay. Giấy, mực đây. Còn nếu các đồng chí thấy không tiện, chúng tôi sẽ bố trí cho các đồng chí phòng khác.

Chúng tôi được đưa sang  phòng bên cạnh. 3 tiếng đồng hồ tiếp theo chúng tôi căng óc ra suy nghĩ, hoàn tất bản thảo và đưa lại cho viên thư ký riêng. Sau khi đọc lần cuối cùng, Xtalin nói với các Ủy viên Bộ chính trị:

- Chỗ này dùng cụm từ “Bọn xâm lược đê hèn” có được không?

- Thưa được – Bêriea (Chủ tịch Ủy ban An ninh nhà nước) trả lời.

- Chúng tôi dừng ở đây, đồng chí Sécbacốp cho đánh máy và in ra nhiều bản. Trong phần lời của chúng tôi vẫn còn câu:

“Trong chiến đấu Hồng quân đã trưởng thành

Thề quét sạch quân xâm lược đê hèn”

Trên nền 4 khổ thơ của chúng tôi, nhiều nhạc sỹ đã viết nhạc.

Tôi và Rêghixtan tiếp tục ra mặt trận, nhưng ngay ngày hôm sau lại nhận được điện của Vôrôsilốp. Ông cho biết: “Đồng chí Xtalin hỏi chúng tôi: Ở khổ thơ này có thể thay đổi dấu “chấm”, “phẩy” hay không?

- Tất nhiên, chúng tôi không phản đối.

Xtalin chấp nhận bản sửa lần cuối.

Để tiện so sánh, tại phòng hòa nhạc của Nhà hát lớn Matxcơva, dàn nhạc của Đoàn văn công Trung ương Quân đội đã chơi quốc ca của nhiều nước. Phần cuối là bài dự kiến được chọn làm quốc ca Liên Xô với phần lời của chúng tôi, nhạc của A.V.Alếcchxanđrốp.

Những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Liên Xô: Xtalin, Vôrôsilốp, Môtôtốp, Micôlan, Khơrútsốp, các lãnh đạo Bộ Văn hóa, các nhạc sĩ nổi tiếng chăm chú lắng nghe. Cuối cùng tất cả đều nhất trí phương án này.

- Theo phong tục lâu đời của Nga – Xtalin nói – Cần “rửa” quốc ca mới. Xin mời tất cả ngồi vào bàn.

Trên bàn toàn các món ăn sang trọng. Xtalin cho tôi ngồi bên tay phải, Rêghixtan bên trái.

- Thưa đồng chí Xtalin – Rêghixtan nói – Cho phép tôi được tiếp đồng chí!

- Không, người tiếp phải  là tôi, ở đây tôi là chủ.

- Đồng chí người dân tộc nào?

- Thưa, tôi người Ácmêni.

- Đồng chí theo đạo nào?

- Đạo cơ đốc.

- Cho phép tôi được nâng cốc chúc sức khỏe đồng chí – Rêghixtan lại nâng cốc.

- Tôi cho phép – Đoạn Xtalin hướng về phía tất cả những người có mặt nói: Hôm nay chúng ta đã thông qua quốc ca mới của Liên Xô với phần lời của Mikhancốp và Rêghixta, âm nhạc của Alếchxanđrơ Vaxilêvis Alếchxanđrốp.

Đây là sự kiện trọng đại của đất nước chúng ta! Ông quay sang nói với nhạc sĩ Sôxtacôvis (nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của Liên Xô ở thế kỷ XX) nói:

- Âm nhạc của đồng chí nghe rất du dương, hay, nhưng biết làm thế nào, nhạc của Alếchxanđrốp nghe trang nghiêm, hào hùng, thích hợp với quốc ca hơn.

Đây sẽ là bài ca chính thức của Tổ quốc chúng ta, là hồn thiêng sông núi, là niềm tin mãnh liệt của chúng ta vào chiến thắng! Đồng chí Sécbacốp hãy soạn thảo nghị quyết để Hội đồng Ủy viên nhân dân (tên gọi chính phủ Liên Xô hồi đó) thông qua, Đài phát thanh của chúng ta sẽ phát đi trên phạm vi toàn quốc.

Sau một lần nâng cốc nữa, Xtalin quay về phía tôi nói:

- Tôi thấy đồng chí có vẻ hơi rụt rè. Tôi không thích những người quá bạo dạn, nhưng cũng không thích những người quá rụt rè. Đồng chí là đảng viên chưa?

- Thưa, tôi là người ngoài Đảng.

- Không sao, tôi cũng từng là người ngoài Đảng – Xtalin nói, sau vài giây im lặng. Tôi đọc cho ông nghe bài thơ “Chú Stêpan” của tôi, ông thích thú, cười vui vẻ.

Vào đêm giao thừa năm 1944, Đài phát thanh “Tiếng nói Matxcơva” đã phát đi bài hát quốc ca mới giàu tính chiến đấu, khích lệ hàng triệu triệu người dân và chiến sĩ Hồng quân Xô viết…

Trịnh Văn Quý
Dịch

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.