Cơ chế xây dựng hòa bình cho tranh chấp biển Đông

Cơ chế xây dựng hòa bình cho tranh chấp biển Đông
TP - Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có các hành động gây căng thẳng trên biển Đông, các nhà khoa học quốc tế đề xuất một cơ chế xây dựng hòa bình cho tranh chấp trên biển Đông. GS James Borton, ĐH Carolina Duyên hải (Mỹ), vừa gửi tới Tiền Phong bài viết về vấn đề này.

Bảo vệ môi trường biển và bảo đảm sự bền vững của đại dương là một vấn đề toàn cầu có ý nghĩa sống còn đối với đời sống và điều này đúng với biển Đông hơn bất kỳ vùng biển nào khác trên thế giới. Trải dài qua các vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới, biển Đông có hệ sinh thái biển phong phú. Tuy nhiên, các tranh chấp lãnh thổ trên vùng biển này tiếp tục là một nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh sinh thái và chính trị của Đông Nam Á. Suy thoái môi trường tiếp tục là trung tâm của các cuộc đối thoại chính sách khoa học biển Đông. Ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học cho rằng, điều cấp thiết hiện này là xử lý vấn đề acid hóa, mất đa dạng sinh học, tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực, phá hủy rạn san hô và cạn kiệt ngư trường.

Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học định nghĩa ngoại giao khoa học là ngành khoa học được sử dụng để thông báo các quyết định chính sách đối ngoại, thúc đẩy cộng tác khoa học quốc tế, xúc tiến hợp tác khoa học để giảm căng thẳng giữa các quốc gia. Ngoại giao khoa học là một phương pháp được chấp nhận rộng rãi mà các nhà hoạch định chính sách môi trường sử dụng để giúp đưa ra các cách giải quyết xung đột. Trong một vài thập kỷ, ngoại giao khoa học đã được nhiều nước sử dụng như là một công cụ ngoại giao để xây dựng hòa bình. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, người ta đã sử dụng hợp tác khoa học để xây dựng các cây cầu hợp tác và tin tưởng.

Ngoại giao khoa học không phải là một phương pháp hoàn toàn mới trong quan hệ quốc tế. Hiện nay, ngoại giao khoa học đặt ra hai câu hỏi quan trọng trong nỗ lực giải quyết thành công các tranh chấp trên biển Đông. Đó là: Có nên thực hiện và sẽ có hiệu quả? Câu trả lời chung là “Có”. Ngoại giao khoa học trực tiếp và gián tiếp giúp thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan tranh chấp trên biển Đông, đem lại sự tạm nghỉ chiến lược rất cần thiết khi căng thẳng khu vực leo thang. Khả năng ngoại giao khoa học quản lý thành công tranh chấp trên biển Đông là rất cao nhờ yếu tố thời điểm, đáng tin và sự ủng hộ tiềm năng của các siêu cường. Ngoại giao khoa học đem lại nhiều ưu điểm, không chỉ về kinh tế, chính trị và trách nhiệm xã hội. Điều quan trọng nhất, hiện đã có làn sóng hợp tác trao đổi dữ liệu, thông tin, đồng thuận về giá trị của các khu bảo tồn biển và tăng cường thám hiểm, nghiên cứu chung.

Các nhà khoa học Đông Nam Á và Trung Quốc hiện có mối quan hệ chặt chẽ, một phần nhờ có nhiều hội thảo đào tạo, hội nghị, dự án khoa học quốc tế, như các hoạt động liên quan Chương trình Phối hợp và phát triển ngư nghiệp biển Đông của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc từ giữa thập niên 70 tới giữa thập niên 80. Các nhóm công tác không chính thức và công tác thực địa trong suốt những năm 90 và đầu những năm 2000 thu hút nhiều nhà khoa học khu vực và các dự án nhằm thúc đẩy quản lý tài nguyên chung ở biển Đông một cách hòa bình. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ dự án quản lý và phân tích môi trường biển Đông giai đoạn 2002-2009. Hiện nay, các tổ chức, cá nhân liên quan đang xúc tiến một dự án tiếp theo. Các hoạt động khác nhằm xây dựng lòng tin cũng đang được thảo luận.

Các biện pháp cộng tác khoa học này là cần thiết trong bối cảnh tình trạng đánh bắt cá quá mức và suy thoái rạn san hô đang xảy ra khắp biển Đông, một phần vì các yêu sách lãnh thổ xung đột nhau đã khiến các hoạt động quản lý và phân tích sinh thái gặp khó khăn. Có các chỉ dấu cho thấy nhiều ngư trường sẽ cạn kiệt, một số loài sẽ tuyệt chủng. Biển Đông hiện có nhiều loài sinh vật biển quý hiếm, như sò khổng lồ, đồi mồi… Vì vậy, đã đến lúc hành động để bảo vệ chúng.

Các bên tranh chấp trên biển Đông cần xem xét kỹ lưỡng khả năng ngư trường biến mất, ngư nghiệp sụp đổ, vì họ dựa vào nguồn protein từ hải sản để cung cấp cho dân số ngày càng đông - gần 1,9 tỷ người. Năm 2014, Trung tâm Đa dạng sinh học cảnh báo, tính đến giữa thế kỷ này, 30-50% loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, có một dấu hiệu đáng mừng là các nhà khoa học Trung Quốc đã tham gia vào lĩnh vực ngoại giao khoa học ở vùng cực trong 3 năm qua. Cụ thể, họ tham gia vào các nỗ lực ngoại giao đa phương ở giữa Bắc Băng Dương, nghiên cứu các quy định về đánh cá mang tính hợp tác… Dù khó giải quyết các vấn đề chủ quyền ở biển Đông, khó xin giấy phép nghiên cứu môi trường trên thực địa, việc các nhà khoa học khu vực tập trung vào ngư nghiệp và bảo vệ môi trường sẽ dễ hơn rất nhiều so với các vấn đề ở Bắc Cực.

Về mặt kinh phí, ngoại giao khoa học dễ thực hiện đối với tất cả các bên có đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông. Các hoạt động kinh tế và quân sự, đặc biệt là cải tạo các bãi đá ngầm, xây dựng đảo nhân tạo, biến chúng thành tiền đồn quân sự liên quan trực tiếp tới quốc phòng, bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.   

Chìa khóa của vấn đề là khuyến khích hợp tác khoa học quốc tế. Thông qua việc cùng khảo sát, nghiên cứu biển, các nhà khoa học khu vực có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách nhiều thông tin, dữ liệu cần thiết để họ ra các quyết định phù hợp, có trách nhiệm liên quan biển Đông. Các sáng kiến khoa học được chấp nhận rộng rãi hơn với tư cách là nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu mà các vấn đề này đòi hỏi sự đóng góp của tất cả các bên trên vũ đài quan hệ quốc tế. Điều này không chỉ khiến cho các sáng kiến liên quan ngoại giao khoa học khả thi về mặt tài chính mà còn dẫn tới việc phổ biến kết quả rộng rãi hơn, gia tăng tác động đối với việc ra quyết định chính sách và xây dựng năng lực ở cấp độ khu vực.

Hầu hết các bên tranh chấp ở biển Đông đã xây dựng các khu bảo tồn biển để xử lý những vấn đề môi trường hiện tại và tương lai. Hiện có những kế hoạch đưa các khu này vào vùng biển tranh chấp. Các khu bảo tồn biển hiện hữu đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển. Các công cụ quản lý tài nguyên thiên nhiên có thể được sử dụng hiệu quả để đảm bảo đa dạng sinh học, nghề cá và du lịch bền vững.

Với tất cả các chính phủ, ngoại giao khoa học là một cách tiếp cận an toàn và trung lập trong quan hệ quốc tế. Trong khi hợp tác kinh tế hoặc quân sự đòi hỏi cân nhắc các dấu hiệu định hướng chính sách đối ngoại, hợp tác khoa học trung lập hơn rất nhiều, kể cả ở các nước có xung đột, vì họ có thể hợp tác với nhau trong các dự án khoa học nhằm cải thiện cuộc sống con người, không phải lo lắng về việc khiến cộng đồng quốc tế hiểu nhầm về định hướng chính sách đối ngoại của họ, hoặc khiến người dân trong nước giận dữ vì bắt tay “sai đối tác”.

Ngoại giao khoa học có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản trong đời sống con người. Trong khi các loại hình ngoại giao khác có xu hướng chỉ giải quyết vấn đề ở cấp độ nhà nước, ví dụ chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác nghiên cứu khoa học ở biển Đông nhắm tới một cách tiếp cận “ngay ở biển”, đảm bảo rằng ngư dân có thể đánh cá an toàn, hải sản không bị ô nhiễm, tài nguyên biển được bảo vệ đúng đắn…

MỚI - NÓNG