Bình luận quốc tế:

Cô lập

Cô lập
TP - Chính quyền Seoul chính thức thành lập Nhóm làm việc chung để thảo luận việc thiết lập Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. 

Theo tuyên bố của Seoul, sở dĩ Mỹ và Hàn Quốc quyết định triển khai sớm THAAD là bởi “ảnh hưởng của Trung Quốc đối với những vụ thử hạt nhân gần đây của Triều Tiên là không hiệu quả”. Washington tuyên bố, THAAD giúp Hàn Quốc và gần 30.000 lính Mỹ đồn trú ở quốc gia Đông Á này trở nên an toàn hơn trước những thách thức hạt nhân ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không nghĩ như vậy.

Thứ nhất, Triều Tiên liên tục thử tên lửa trong những ngày vừa qua, theo Bắc Kinh, không có nghĩa Bình Nhưỡng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Washington và đồng minh. Bắc Kinh có cơ sở để tin rằng, Bình Nhưỡng phát triển chương trình hạt nhân nhằm mục đích phòng vệ, đảm bảo tối đa quyền lợi trong các cuộc đàm phán với nước lớn, hơn là răn đe tấn công. Việc Triều Tiên phớt lờ Trung Quốc để thử tên lửa đạn đạo và tên lửa tầm ngắn chính là thời cơ giúp Mỹ đẩy nhanh THAAD tới gần biên giới Trung Quốc.

Thứ hai, triển khai hệ thống THAAD giúp Mỹ củng cố vị thế ở Đông Bắc Á, sâu xa hơn là khu vực châu Á - Thái Bình Dương và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong bối cảnh Bắc Kinh lôi kéo Mátxcơva can dự vào khu vực, thì việc Mỹ đưa THAAD vào Hàn Quốc cũng được coi là nhằm vào Nga. Radar di động của THAAD quét tới 3.000 - 4.000km, về lý thuyết bao trùm cả Trung Quốc và Nga, nghĩa là tất cả hoạt động hàng hải, hàng không, cũng như những chuyển dịch quân sự, tập trận trên không, trên biển, đất liền của Trung Quốc và Nga trong khu vực bị phơi bày; tần suất, số lượng các chuyến bay và vị trí sân bay quân sự của Trung Quốc sẽ bị lộ.

Thứ ba, THAAD gián tiếp đưa Hàn Quốc và Nhật Bản – hai đồng minh của Mỹ nhưng vẫn còn nhiều bất hòa – gắn kết hơn dưới cái ô của Mỹ. Nếu THAAD triển khai thành công ở Hàn Quốc, thì Nhật Bản cũng có thể tiến gần hơn hệ thống phòng thủ này. Điều đó dẫn tới việc Hàn Quốc nhanh chóng gia nhập liên minh quân sự với Mỹ và Nhật Bản, giống như một khối liên minh quân sự NATO thu nhỏ.

Trong bối cảnh Triều Tiên “không chịu nghe lời” và THAAD tiến sát biên giới, Trung Quốc có lý do để quan ngại rằng, nguy cơ bị Mỹ và đồng minh ở khu vực cô lập đang trở thành hiện thực.

MỚI - NÓNG