Có lý do để ông Trump sớm đến Việt Nam

TPO - Từ năm 1993, hội nghị APEC thu hút sự tham dự của người đứng đầu chính phủ hầu hết các nền kinh tế thành viên. Là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam có cơ hội đón tân Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga...

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý cho biết, khi tình hình thế giới năm nay có những yếu tố khó xác định, khó đoán hơn năm trước, việc trở thành chủ nhà APEC 2017 tình cờ trở thành một cơ hội lớn cho Việt Nam.

Việc đăng cai Hội nghị APEC phải đăng ký từ 7-8 năm trước, nhưng trong hoàn cảnh như hiện nay, việc tổ chức một diễn đàn lớn như vậy sẽ là dịp để Việt Nam thúc đẩy nhiều chương trình song phương và đa phương với lãnh đạo, đại diện các nền kinh tế APEC.

Theo kế hoạch, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ diễn ra vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, trong đó sự kiện quan trọng nhất là Hội nghị Cấp cao với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên và hàng nghìn đại biểu chính thức, phóng viên báo chí nước ngoài và các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

APEC là lý do để lãnh đạo các nước lớn như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và lãnh đạo các nước ít có cơ hội gặp nhau, muốn đến Đà Nẵng. Vì thế đi kèm với APEC sẽ là những hoạt động song phương nhộn nhịp.

Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho biết, trong cuộc điện đàm gần đây với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói rằng ông mong muốn gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sớm ở bất kỳ nơi nào. Ông Quý cho rằng, cuộc điện đàm vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam. "Cuộc điện đàm diễn ra vui vẻ và tích cực", ông Quý nói.

Kể từ khi thành lập năm 1989, APEC tổ chức hội nghị thường niên với sự tham gia của đại diện tất cả các nền kinh tế thành viên. Bốn hội nghị thường niên đầu tiên có sự tham gia của các quan chức cấp bộ. Kể từ năm 1993, các hội nghị thường niên được đặt tên là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và được tham dự bởi người đứng đầu chính phủ các nền kinh tế thành viên, trừ Đài Loan.

Các Tổng thống Mỹ có truyền thống thăm châu Á

Những chuyến công du quốc tế của các tổng thống Mỹ đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ và quan hệ quốc tế kể từ khi diễn ra chuyến đi đầu tiên vào đầu thế kỷ 20.

Trong thế kỷ 19, công du nước ngoài bị coi là điều cấm kỵ trong chính trị Mỹ. Các chuyến đi thăm trong nước được coi là cơ hội cho các tổng thống đối thoại với những cử tri đã bỏ phiếu cho mình, nhưng công du nước ngoài là chuyện khác. Suy nghĩ chung của người dân Mỹ lúc đó là không muốn tổng thống của họ đến thăm cung điện hay tiếp xúc với vị vua hay nữ hoàng nào.

Điều cấm kỵ này bắt đầu yếu dần và bị phá vỡ từ đầu thế kỷ 20, khi các nhà làm luật cấp liên bang bắt đầu đánh giá lại vai trò của quốc gia trong các vấn đề quốc tế. Chuyến công du đầu tiên của tổng thống Mỹ là chuyến thăm Panama năm 1906 của Tổng thống Theodore Roosevelt, báo hiệu mở ra một kỷ nguyên mới về cách thức các tổng thống Mỹ thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước bên ngoài. Những chuyến đi của Tổng thống Woodrow Wilson sang châu Âu sau Thế chiến 1 và việc ông thúc đẩy các nguyên tắc vì một thế giới hòa bình đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ công du nước ngoài bị coi là điều cấm kỵ.

Những thay đổi nhanh chóng của phương tiện đi lại cũng đóng vai trò đáng kể trong cách thức đi công cán của các tổng thống Mỹ. Khi ông Wilson thăm châu Âu năm 1919 trên tàu George Washington, cuộc hành trình kéo dài 9 ngày. 40 năm sau, Tổng thống Dwight Eisenhower cũng đi một chuyến như vậy bằng máy bay và chỉ mất 9 giờ đồng hồ. Máy bay giúp các tổng thống Mỹ đi khắp thế giới theo cách trước đây không thể tưởng tượng được.

Eisenhower là tổng thống đầu tiên đi máy bay phản lực (và cũng là người đầu tiên đi trực thăng). Tổng thống John F. Kennedy có một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất đến châu Âu trong mùa hè năm 1963, chỉ vài tháng trước khi ông bị ám sát. Người kế nhiệm ông, Tổng thống Lydon B. Johnson, thích công du đến châu Á. Tổng thống Richard Nixon làm  nhiều thứ đầu tiên, đặc biệt là chuyến thăm đầu tiên đến châu Á. Ông Jimmy Carter dành nhiều thời  gian cho Trung Đông và có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến châu Phi. Tổng thống Ronald Reagan ghi dấu ấn với nhiều chuyến thăm đáng nhớ, đặc biệt là cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Tần suất và khoảng cách của các chuyến đi nước ngoài của tổng thống tăng đáng kể từ khi ông George H. W. Bush trở thành tổng thống năm 1989. Năm 1990, phiên bản quân sự của chiếc máy bay Boeing 747 là VC-25 được đưa vào phục vụ các chuyến đi của tổng thống. Dòng máy bay này có diện tích sàn lên đến 372m2, có một phòng ngủ, phòng tắm và được trang bị đủ phương tiện liên lạc an toàn để tổng thống có thể điều hành đất nước từ trên không. Máy bay này được hộ tống bởi một máy bay vận tải hạng nặng để chở các trực thăng và xe limousine.

Tổng thống Bill Clinton (nhiệm kỳ 1993-2001) và George W. Bush (nhiệm kỳ 2001-2009) mỗi người thăm 74 quốc gia khác nhau trong nhiệm kỳ của họ. Tính tổng số, họ đi thăm 94 quốc gia khác nhau với số dân gộp lại tương đương 85% dân số thế giới.

Tổng thống Barack Obama (2009-2017) thăm 58 quốc gia khác nhau. Các chuyến thăm châu Á và châu Âu gần như đã trở thành lệ thường của các tổng thống Mỹ trong thế kỷ 21.

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.