Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung: ASEAN theo dõi sát sao

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình​. Ảnh: CNN.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình​. Ảnh: CNN.
TP - Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6-7/4 được coi như cuộc gặp giữa hai người từ “hai hành tinh”, giữa một nhân vật khó đoán và một lãnh đạo kỳ cựu luôn làm theo kịch bản chặt chẽ.

 Đây được xem là phép thử xem lãnh đạo Mỹ - Trung từ nay có thể cùng nhau quản lý hiệu quả mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới hay không, giới quan sát nhận định. Theo giới quan sát, các nước ASEAN đang theo dõi sát sao cuộc gặp này. 

Với việc đảo ngược sự ủng hộ của Mỹ đối với thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu, cự tuyệt thỏa thuận thương mại hướng về châu Á và chủ trương giảm đóng góp cho Liên Hợp Quốc, ông Trump đã từ bỏ vai trò lãnh đạo trong những lĩnh vực chủ chốt để trao cho ông Tập - người đang háo hức mở rộng vai trò của Bắc Kinh để trở thành cường quốc toàn cầu và đưa Trung Quốc vào trị trí cạnh tranh với Mỹ. Giới quan sát cho rằng sẽ rất tai hại cho Mỹ và thế giới nếu ông Trump tiếp tục hướng đi này.

Tổng thống Mỹ dường như rất quan tâm mối đe dọa từ chương trình tên lửa và hạt nhân đang tiến triển nhanh của Triều Tiên, vì thế ông đặt vấn đề này lên cao nhất trong chương trình nghị sự. Ông cũng khó tránh điều này vì Triều Tiên vừa thực hiện một vụ thử nghiệm tên lửa nữa trong tuần này, khi ông Tập chuẩn bị sang Mỹ.

Tổng thống Trump nhiều lần nói rằng, ông kỳ vọng Trung Quốc, nước cung cấp thực phẩm và nhiên liệu chính của Triều Tiên, sẽ gây sức ép mạnh hơn mức họ sẵn sàng làm từ trước đến nay, nhằm khiến Bình Nhưỡng chấm dứt các chương trình vũ khí.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times đầu tuần này, Tổng thống Trump còn đòi hỏi nhiều hơn khi cảnh báo rằng, Mỹ có thể hành động đơn phương để loại bỏ mối đe dọa hạt nhân nếu Bắc Kinh không làm gì được.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc có thể sẵn sàng gia tăng sức ép với Triều Tiên, nhưng không muốn đẩy chính quyền Bình Nhưỡng đến mức sụp đổ. Giới chuyên gia cũng cho rằng, Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân, trừ khi nước này có sự thay đổi lãnh đạo ở cấp cao nhất.

Trung Quốc không ủng hộ điều này vì họ sợ làn sóng người tị nạn từ phía bắc sẽ tràn sang và họ muốn giữ Triều Tiên làm vùng đệm, thay vì ủng hộ một bán đảo Triều Tiên thống nhất bị thống trị bởi quân đội Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc có thể có cơ hội lâu dài để có được giải pháp nếu họ đồng ý gia tăng trừng phạt Triều Tiên và đặt ra mục tiêu khiêm tốn hơn như việc Triều Tiên ngừng thử hạt nhân, không sản xuất thêm vũ khí hạt nhân. Nhưng cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền của ông Trump hứng thú với những mục tiêu này.

Thương mại cũng là vấn đề hai bên khó thỏa thuận, đặc biệt khi chính quyền Mỹ vẫn đang tranh cãi dữ đội về những vấn đề liên quan. Trong lúc tranh cử, ứng viên Trump tuyên bố hùng hồn về việc sẽ cứng rắn với Trung Quốc, và gần đây, ông nói với Financial Times rằng, ông hy vọng đạt được thỏa thuận nào đó với ông Tập. Các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng, họ hy vọng cuộc gặp lần này sẽ mang lại kết quả cụ thể.

Theo các nhà phân tích, rủi ro trong cuộc gặp đầu tiên này là việc ông Trump không biết nhiều về ngoại giao với Trung Quốc và chưa có nhóm chuyên gia về Trung Quốc trong lực lượng của mình. Cuộc gặp lần này của lãnh đạo Mỹ - Trung cũng được coi như phép thử đối với ông Jared Kushner, con rể đồng thời là cố vấn gần gũi của ông Trump.

Là người thiếu kinh nghiệm ngoại giao và kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, ông Kushner đã vượt qua Ngoại trưởng Rex Tillerson để đóng vai trò chính trong quá trình sắp xếp chương trình cuộc gặp thượng đỉnh lần này.

ASEAN dõi theo

Theo giới quan sát, quan hệ Mỹ - Trung gây tác động rộng lớn đối với khu vực Đông Á, đặc biệt với 10 nước ASEAN, nên họ đang theo dõi sát sao cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập.

Nhiều thập kỷ qua, chính sách châu Á của Mỹ đã vận dụng các công cụ ngoại giao, kinh tế và quân sự để ngăn ngừa sự trỗi dậy của chủ nghĩa bá quyền, để bảo đảm khu vực này an toàn đối với các mục tiêu của Mỹ như thúc đẩy tự do thương mại, xã hội cởi mở, an ninh lãnh thổ… Một Trung Quốc trỗi dậy đang thách thức uy tín của Mỹ ở khu vực thông qua việc quân sự hóa các tiền đồn trên biển Đông, đưa ra nhiều sáng kiến kinh tế sâu rộng và thực hiện chính sách ngoại giao quyết liệt đối với ASEAN.

Trong bối cảnh này, ông Trump được kỳ vọng sẽ gửi tín hiệu đến ông Tập rằng, Mỹ vẫn sẽ là cường quốc ở Thái Bình Dương, thực thi tự do hàng hải ở khu vực và triển khai một chính sách châu Á mạnh mẽ, bao gồm việc tham gia vào các thể chế ở khu vực, khuyến khích các mạng lưới an ninh bao trùm…

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...