Cuộc sống thấp thỏm ở nơi tội phạm săn lùng cảnh sát

Thanh tra Umberto Mata nhặt những viên đạn trong cát ở thành phố San Agustin. Ảnh: Alasdair Baverstock
Thanh tra Umberto Mata nhặt những viên đạn trong cát ở thành phố San Agustin. Ảnh: Alasdair Baverstock
Tội phạm kiểm soát thành phố và truy lùng cảnh sát, án mạng xảy ra hàng ngày là thực tế mà người dân trong một thung lũng ở Mexico đối mặt.

Nằm trên biên giới giữa Mexico và bang Texas của Mỹ với những cánh đồng bông trải dài tới hơn 60 km, thung lũng Juarez nguy hiểm đến nỗi ngay cảnh sát cũng không dám tiến vào.

Thung lũng Juarez nằm ở phía đông Juarez City - thành phố mang biệt danh "đô thị bạo lực nhất thế giới" trong 3 năm liên tiếp. Những tổ chức tội phạm trong thung lũng vận chuyển ma túy, vũ khí và những người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới để sang Mỹ. Bọn xã hội đen sẵn sàng giết những người can thiệp vào hoạt động của chúng. Vì thế người ta gọi nơi đây là "Thung lũng Sát nhân", Daily Mail đưa tin.

Ngày nay tình trạng bạo lực và số người chết ở Thung lũng Juarez - chạy dọc theo dãy núi Rio Grande và chỉ cách hàng rào có chiều cao 5 m ở biên giới nước Mỹ vài chục mét - đạt tới mức cao nhất ở Bắc Mỹ. Thậm chí nhiều người còn cho rằng nó là nơi chết chóc nhất trên hành tinh.

"Chúng tôi thường xuyên thấy tử thi trên các phố. Nếu bạn ra khỏi nhà và nghe tiếng súng, có thể bạn sẽ chết. Tôi từng thấy rất nhiều người bạn mắc kẹt giữa làn đạn hoặc mất mạng vì đạn bởi họ dám phản đối bọn tội phạm", Alejandro Montes, người làm thuê cho trạm xăng duy nhất trong thành phố Praxedis Guadalupe thuộc Thung lũng Juarez, nói.

Tập đoàn tội phạm Sinaloa giết những cảnh sát cuối cùng của thành phố Praxedis Guadalupe vào năm 2009. Sau đó chính quyền không thể tìm người để thay thế họ.

Hiện tại người ta nghĩ rằng tập đoàn Sinaloa đang chịu sự điều hành của Zambada, một trùm ma túy. Hắn thay thế El Chapo Guzman, thủ lĩnh trước đây của tập đoàn, sau khi lực lượng an ninh bắt Guzman vào năm ngoái.

Người dân thành phố đã thành lập lực lượng tự vệ để chống bọn tội phạm. Nhưng sau khi chúng bắt cóc, tra tấn và chặt đầu Manuel Castro, người chỉ huy lực lượng tự vệ, người dân luôn cảm thấy sợ hãi.

"Bọn buôn ma túy, chứ không phải cảnh sát, áp đặt luật ở đây. Nếu bạn muốn sống, bạn phải tuân thủ luật của chúng", Alejandro bình luận.

Ngày nay tỷ lệ vụ án mạng hàng năm ở Thung lũng Juarez là 160 vụ trên 10.000 dân. Đây là con số thống kê của giới chức San Agustin, thành phố duy nhất trong thung lũng còn cảnh sát.

Khoảng 60.000 dân từng sống trong thung lũng. Nhưng hiện tại chỉ khoảng 5.000 người dám ở lại quê hương. Những người khác đã tới chỗ khác hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực. Số vụ giết người trong thung lũng tăng vọt do các băng đảng tội phạm tàn sát lẫn nhau để dành lãnh địa. Chúng thường phục kích rồi giết lẫn nhau trên các đường phố.

Thành phố Praxedis Guadalupe giống như trường quay của một phim kinh dị. Đối với nhiều người dân, cuộc sống của họ chẳng hề khác so với cảnh tượng bạo lực băng đảng trong những tác phẩm điện ảnh của Hollywood. Mọi tòa nhà trong đại lộ chính của thành phố đều hứng chịu hậu quả của tình trạng bạo lực. Những cửa sổ trong các tòa nhà đóng quanh năm và phần lớn cửa hàng không hoạt động.

Nếu dạo một vòng quanh thành phố, người ta sẽ thấy vô số ngôi nhà cháy, các biển hiệu với các vết đạn trên đường, hình vẽ graffiti tại những nơi mà án mạng từng xảy ra, những lỗ hổng trên tường của những ngôi nhà hoang.

"Ở thành phố San Agustin, trung bình hai vụ giết người xảy ra mỗi ngày", Umberto Mata, một thanh tra cảnh sát ở San Agustin, nói.

Mata từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp mất mạng trong 7 năm mà ông làm việc ở Thung lũng Juarez.

“Người dân thường ở trong nhà do sợ bạo lực. Nếu bạn thấy ai đó trên đường, rất có thể đó là một trong những sát thủ của bọn tội phạm”, ông nói.

San Agustin là thành phố xa nhất về phía tây trong “Thung lũng Sát nhân”. Những cuộc chiến giữa binh sĩ chính phủ và bọn buôn ma túy thường diễn ra ở “vùng đất không người” giữa thành ph ố Praxedis Guadalupe và khu vực phía đông của thung lũng.

“Chúng tôi không bao giờ vượt qua ranh giới của thành phố, bởi tình hình bên ngoài quá nguy hiểm, Mata thừa nhận.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.