Đằng sau vụ khủng bố đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ

Xe cấp cứu tập trung bên ngoài sân bay Ataturk ở Istabbul. Ảnh: Daily Beast
Xe cấp cứu tập trung bên ngoài sân bay Ataturk ở Istabbul. Ảnh: Daily Beast
TP - Giới chuyên gia cho rằng, vụ tấn công khủng bố khiến 41 người thiệt mạng, 239 người bị thương tại sân bay ở Istanbul hôm qua cho thấy các sân bay quốc tế nay trở thành “mục tiêu mềm” của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu được coi là pháo đài của an ninh và ổn định ở rìa Trung Đông, nhưng ngày càng chịu nhiều sức ép từ các nhóm cực đoan. Với việc Ankara gần đây thân thiết hơn với những nước bị IS coi là kẻ thù như Nga và Israel, có vẻ IS đang tìm cách trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tấn công vào ngành du lịch vốn đang khốn khó của nước này. 

Báo Úc Sydney Morning Herald dẫn lời nhà nghiên cứu Greg Barton ở ĐH Deakin (Úc) cho rằng, vụ tấn công hồi tháng 3 năm nay tại sân bay Brussels, Bỉ cho thấy vụ khủng bố tại sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul là một sự lặp lại. “Chỉ cần vào đến cửa ngoài rồi thực hiện vụ tấn công. Các sân bay phải xử lý số lượng người rất lớn. Rất nhiều hành khách quốc tế tập trung ở đó nên nó trở thành mục tiêu mềm”, ông Barton nói.

Theo giới quan sát, trong thời kỳ đầu của cuộc nội chiến Syria, Thổ Nhĩ Kỳ xác định nhiệm vụ ưu tiên của họ là đánh bại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và Thổ Nhĩ Kỳ đã có quan điểm khoan dung đối với những tay súng nước ngoài đi qua lãnh thổ của họ để sang Syria gia nhập các nhóm nổi dậy.

 Nhưng từ khi Thổ Nhĩ Kỳ mở các căn cứ không quân của họ cho lực lượng của Mỹ vì áp lực từ nước đồng minh của họ trong NATO và gần đây tìm cách hàn gắn quan hệ với Nga - nước ủng hộ mạnh mẽ chế độ của ông Assad, IS đã gia tăng các cuộc tấn công chống lại Thổ Nhĩ Kỳ để bắt quốc gia này phải trả giá, nhà nghiên cứu Rodger Shanahan ở Viện Lowy (Úc) nhận định. Cả hai ông Barton và Shanahan đều cho rằng, IS vẫn còn mạng lưới ủng hộ rất rộng ở trong lòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan vừa xin lỗi Mátxcơva vì vụ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga hồi cuối năm ngoái. Những biện pháp cấm vận của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ do vụ bắn hạ đã bắt đầu phát huy tác hại, đặc biệt đối với ngành công nghiệp du lịch vốn dựa rất nhiều vào lượng khách du lịch từ Nga. “IS rõ ràng đang gây sức ép với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ”, TS Shanahan nhận định.

Các chuyên gia từ lâu đã cho rằng, IS sẽ gia tăng tấn công ở nước ngoài khi chúng đã mất nhiều lãnh thổ ở khu vực mà chúng gọi là Vương quốc Hồi giáo ở Iraq và Syria. TS Shanahan cho biết, phát ngôn viên Abu Mohammad al-Adnani của IS gần đây kêu gọi thực hiện các cuộc tấn công trong tháng lễ Ramadan, như các vụ giết hại và đánh bom gần đây ở Yemen và Li-băng. TS Shanahan cũng cho rằng, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đang bị kéo căng vì vừa phải đối phó IS vừa phải xử lý xung đột với lực lượng người Kurd ở miền đông đất nước.

GS Barton cho, rằng Tổng thống Erdogan khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn với việc truy quét các đối thủ chính trị, bao gồm cả việc đuổi những nhân vật thuộc hạng có năng lực nhất trong đội ngũ an ninh và tình báo ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo GS Barton, ông Erdogan cũng chính trị hóa Hồi giáo nhằm củng cố quyền lực của riêng mình. 

“Những việc đó làm suy yếu tình hình an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ ngay lúc vấn đề với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đang trở nên nghiêm trọng hơn. Ông Erdogan đã đề cao sự tồn tại và quyền lực của cá nhân, và khi ai đó chỉ nhìn theo một hướng thì họ dễ mắc sai lầm và bỏ qua bức tranh lớn hơn”, GS Barton nói.

13 người nước ngoài thiệt mạng

Tổng số 41 người thiệt mạng, 239 người bị thương trong vụ tấn công tự sát tại sân bay quốc tế chính ở Istanbul vào khoảng 2h sáng qua (giờ Việt Nam). Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay, AP dẫn thông báo của Văn phòng Thống đốc Istanbul.

Những kẻ tấn công đã vãi đạn vào lực lượng bảo vệ sân bay tại một lối vào ga hàng không rồi sau đó tự kích hoạt bom gắn trên người. Đoạn phim do camera an ninh ghi lại và được đưa lên mạng xã hội cho thấy có 2 vụ nổ. Trong một đoạn phim, một quả cầu lửa bùng phát ngay lối vào, khiến nhiều hành khách bị văng ra xa. Một đoạn phim khác cho thấy một kẻ mặc quần áo đen chạy bên trong tòa nhà trước khi đổ gục xuống đất - có vẻ sau khi trúng đạn của cảnh sát - rồi hắn tự nổ tung, Reuters đưa tin.

Có 10 nạn nhân thiệt mạng là người nước ngoài và 3 người mang hai quốc tịch. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, 5 người thiệt mạng đến từ Ảrập Xêút, 2 người từ Iraq; Tunisia, Uzbekistan, Trung Quốc, Iran, Ukraine và Jordan mỗi nước có 1 người. 

Trong số người bị thương, 41 người đang được chăm sóc đặc biệt, 109 người đã được xuất viện. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Recep Akdag nói rằng, trong số người đang được điều trị có công dân Ảrập Xê-út, Afghanistan, Pakistan, Uzbekistan, Ukraine và Switzerland, AP đưa tin.

Chưa ai nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công đẫm máu, nhưng giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, IS là nghi phạm số một. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho rằng, IS đứng sau vụ đánh bom tự sát nhằm vào sân bay.

Thổ Nhĩ Kỳ được đặt trong tình trạng báo động an ninh mức cao sau khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công, nhưng thủ phạm không chỉ là nhóm IS mà còn là các tay súng người Kurd.

Sau vụ khủng bố lần thứ tư xảy ra trong năm nay, Tổng thống Erdogan hôm qua kêu gọi triển khai một cuộc chiến quốc tế chống khủng bố. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua đề nghị giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ việc.

MỚI - NÓNG