Đi tìm dấu tích vương quốc đàn bà

Các cô gái Tra-bê trong trang phục lễ hội
Các cô gái Tra-bê trong trang phục lễ hội
TP - Trong tác phẩm “Tây Du ký”, Ngô Thừa Ân có miêu tả về “Nữ nhi quốc” mà thày trò Đường Tăng đi qua trên con đường sang Tây Trúc thỉnh kinh, khiến người ta nảy sinh những liên tưởng cùng những ao ước viển vông.

Trước đây, báo chí từng cho rằng có lẽ “Nữ nhi quốc” chính là bộ tộc người Mosuo sống ở ven hồ Luco thuộc tỉnh Vân Nam - nơi vẫn còn tồn tại xã hội mẫu hệ. Nhưng mới đây các nhà nghiên cứu đã khẳng định đúng là có một vương quốc phụ nữ từng tồn tại ở Trung Quốc, đã từng được ghi trong “Cựu Đường thư” - một sử tịch cổ.

Đi tìm dấu tích “Đông Nữ quốc”

Ông Nhiệm Tân Kiến, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Khang Tạng thuộc Viện Khoa học xã hội tỉnh Tứ Xuyên mới đây tuyên bố: “Trong lịch sử quả thật có tồn tại “Nữ nhi quốc”, một số làng bản đến nay vẫn còn bảo tồn được những tập tục cổ xưa của nó”. Ông cho biết, sau thời gian dài nghiên cứu và khảo sát thực địa, nhóm của ông đã phát hiện vùng đất từ huyện Đan Ba đến huyện Đạo Phu thuộc châu Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay chính là trung tâm của “Đông Nữ quốc” được ghi trong “Cựu Đường thư”.

Theo quyển thứ 197 “Nam man Tây Nam man truyện”, Cựu Đường thư viết: “Đông Nữ quốc là tên gọi khác của Tây Khương, là vương quốc phụ nữ trong bốn bể, nên gọi là Đông Nữ, vua là đàn bà, phía Đông giáp Mậu Châu, Đảng Hạng; Đông Nam giáp Nhã Châu… Đi từ Đông sang Tây mất 9 ngày, từ Nam xuống Bắc 22 ngày, có cả thảy 80 tòa thành lớn nhỏ”. Theo ông Nhiệm giải thích: ranh giới nước Đông Nữ đi từ Bắc xuống Nam 22 ngày, Đông sang Tây 9 ngày, mỗi ngày đi được 40km nếu cưỡi ngựa, đi bộ thì 20km; nghĩa là nước này trải dài từ Bắc xuống Nam 400 tới 800km, từ Đông sang Tây 180 hoặc 360km. Cũng theo sách này, kiến trúc đều là những tòa nhà lầu kiểu lô cốt (điêu lâu); Nữ vương ở nhà 9 tầng, còn dân chúng thì ở nhà 4-5 tầng. Nữ vương mặc váy lụa đuôi dài quét đất, có thêu hoa vàng…

Khi đó Nữ vương khi về triều kiến triều đình ở Trung nguyên, được phong là “Ngân Thanh quang lộc đại phu”; tuy chỉ là hàm hư, nhưng phẩm cấp rất cao, tương đương quan chức cấp tỉnh bây giờ. Về sau đến cuối đời Đường, thế lực Thổ Phiên rất mạnh, nhiều lần xâm phạm phía Đông sông Đại Độ nên nhà Đường đem quân phản kích, sau cuộc giao chiến ác liệt, để tự bảo vệ mình, những bộ lạc còn lại của Đông Nữ đã chọn cách có thái độ tốt với cả hai bên (triều đình Trung Nguyên và Thổ Phiên).

Sau nữa, nhà Đường dần suy thoái rồi phân liệt, Thổ Phiên cũng dần bị diệt vong. Sau khi Thổ Phiên tan vỡ, vùng cao nguyên Thanh Tạng bị họ thống trị dần quay lại thời kỳ các bộ lạc. Nhà Đường cũng không còn lực lượng để quản lý thống nhất; đến thời Tống, Nguyên, Minh quyền thống trị với Thanh Tạng rất yếu ớt, vì vậy không thấy ghi chép trong sử, cho đến thời nhà Thanh mới hoàn thiện chế độ Thổ Ty. Các bộ lạc còn sót của nước Đông Nữ do kề cận tuyến giao thông huyết mạch nên chịu ảnh hưởng văn hóa ngoại lai. Sau khi Nữ vương chết không bảo lưu tập tục truyền thống, dần chuyển sang xã hội phụ hệ, nhưng có một số bộ lạc sống ở những nơi thâm sơn cùng cốc vẫn lưu giữ dấu tích của xã hội mẫu hệ.

Những hậu duệ của “Đông Nữ quốc”

Ông Nhiệm Tân Kiến cho biết, vùng này đến nay vẫn bảo lưu những tập tục của xã hội mẫu hệ là để thích ứng với nhu cầu của môi trường sản xuất địa phương. Vùng này ở trong thung lũng giữa các ngọn núi cao, điều kiện sản xuất kém, đất đai và sản vật ít; nếu thực hiện chế độ một vợ một chồng, con trai sau khi lấy vợ phải tách ra lập gia đình riêng, với điều kiện kinh tế ở đó không thể gánh chịu được, không chia được tư liệu sản xuất. Hơn nữa nơi này thuộc vùng núi sâu, gần như cách biệt với thế giới bên ngoài, không dễ bị ảnh hưởng bởi các nền văn hóa khác.

Giáo sư Vạn Kiến Trung, một chuyên gia phong tục dân gian ở Viện Văn học Đại học sư phạm Bắc Kinh cũng cho rằng: nơi đây năng lực sản xuất lạc hậu, khá đóng kín, cường độ lao động yếu, dân chúng tự cấp tự túc, phụ nữ nắm quyền phát ngôn và chủ trì kinh tế, đàn ông chỉ biết lao động. Ngoài ra còn có nhân tố tâm lý xã hội, duy trì chế độ thị tộc mẫu hệ.

Đi tìm dấu tích vương quốc đàn bà ảnh 1

 Muốn được “quà” phải khỏe mạnh, khéo léo và dũng cảm

Theo khảo sát của ông Nhiệm, trong lịch sử, nước Đông Nữ nằm ở vùng đất giáp giới các tỉnh Tây Tạng, Tứ Xuyên, Vân Nam ngày nay. Hiện nay bộ tộc Tra-bê là tàn dư còn lại, đến giờ vẫn bảo lưu nhiều đặc điểm xã hội mẫu hệ của nước Đông Nữ. Tra-bê trước đây là một khu, nay có 7 xã, 5 thuộc huyện Đạo Phu, 2 thuộc Nhã Giang, tổng cộng có gần 10 ngàn người. Một đặc điểm nổi bật là các cô gái Tra-bê đều rất xinh đẹp, vì vậy vùng này còn được biết đến với tên “Mỹ nhân cốc” (Thung lũng người đẹp), ngày hội ở đây chả khác nào cuộc thi hoa hậu, thu hút nhiều du khách tìm đến.

Ở đây phụ nữ là trung tâm của gia đình, nắm giữ toàn bộ việc phân phối tài sản và phân công công việc. Tương tự như Đông Nữ quốc khi xưa; có gia đình đông tới hơn 30 thành viên, mọi người đều không kết hôn, không tồn tại quan hệ vợ chồng; đàn ông trong nhà chỉ là những người lao động, người mẹ (bà) cao tuổi nhất chủ trì, thống lĩnh mọi lĩnh vực trong nhà.

Người Tra-bê vẫn thực hiện tục “tẩu hôn”. Thông qua các hoạt động tụ tập đông người như lễ hội, văn nghệ… nếu chàng trai thích cô gái nào thì tìm cách cướp lấy một thứ gì đó trên người cô gái làm tín vật thư như khăn tay, nơ buộc tóc… chẳng hạn. Nếu cô gái không đòi lại, nghĩa là bày tỏ đồng ý. Đêm đến, cô gái sẽ để ngọn đèn tại cửa sổ chỗ mình nằm đợi chàng trai tìm đến. Người Tra-bê hiện vẫn sống trong các “điêu lâu” cao hàng chục mét xây bằng đá hay ghép bằng thân cây. Chàng trai muốn leo lên được chỗ cô gái nằm, buộc phải dùng ngón tay bám vào các khe đá hay gỗ để leo lên. Chưa hết, cửa sổ thường rất hẹp, giữa lại có thanh chắn, chàng trai leo đến nơi phải lách mình chui vào như biểu diễn xiếc vậy. Cả quá trình đó đòi hỏi chàng trai phải có thể lực tốt, khéo léo. Đây quả là một cuộc tuyển chọn bạn tình khắt khe, chỉ những ai khỏe mạnh, khéo léo mới có thể chiến thắng.

Một người phụ nữ có thể có nhiều “gia-y”, nhưng cũng có số ít phụ nữ cả đời chỉ có 1-2 “gia-y”. Nếu người phụ nữ sinh con, “gia-y” không cần nhận con, không phải cấp dưỡng hay chịu bất cứ trách nhiệm gì. Đứa trẻ được gia đình cô gái nuôi dưỡng. Nhưng điều lý thú là mặc dù vậy, mọi đứa bé đều biết rõ ai là bố chúng. 

Đi tìm dấu tích vương quốc đàn bà ảnh 2 Cô gái Tra-bê chờ bạn tình bên cửa sổ
Sáng hôm sau khi gà gáy, chàng trai phải rời bỏ bạn tình, leo xuống, từ đó hai người chẳng còn mối liên hệ nào nữa. Chàng trai nếu muốn có thể đêm nào cũng đến theo kiểu đó, hoặc cả tháng đến một lần, cũng có thể thôi cũng chẳng sao. Quan hệ giữa họ gọi là “gia-y” - tức là bạn tình.
Theo Theo báo chí Trung Quốc
MỚI - NÓNG