Dịch Ebola: WHO xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp

Các sân bay ở Nigeria kiểm tra mọi hành khách nhập cảnh vào nước này. Ảnh: BBC
Các sân bay ở Nigeria kiểm tra mọi hành khách nhập cảnh vào nước này. Ảnh: BBC
TP - Các chuyên gia y tế toàn cầu tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sắp nhóm họp để thảo luận các biện pháp mới nhằm đối phó đợt bùng phát virus Ebola.

Cuộc họp dự kiến diễn ra trong 2 ngày tại Geneva, Thụy Sĩ, để đưa ra quyết định liệu có công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Nếu công bố dịch, biện pháp hạn chế bay sẽ được áp dụng ở các khu vực bị ảnh hưởng. 

Cuộc họp diễn ra vào thời điểm các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm kêu gọi ứng dụng phương pháp điều trị thử nghiệm trên diện rộng hơn.

Hai nhân viên y tế bị nhiễm Ebola ở Liberia có vẻ đang hồi phục sau khi được triều trị bằng một loại thuốc chưa được cấp phép trước khi được chuyển về Mỹ. Nhưng vẫn chưa rõ thuốc ZMapp mới được thử nghiệm trên loài khỉ có phải nguyên nhân giúp tình trạng của họ khá lên hay không. 

GS Peter Piot, đồng tác giả phát hiện ra Ebola vào năm 1976, GS David Heymann, Giám đốc Trung tâm An ninh y tế toàn cầu, cùng với GS Jeremy Farrar, Giám đốc Quỹ từ thiện toàn cầu Wellcome Trust, cho rằng, có nhiều loại thuốc và vắc-xin đang được nghiên cứu có thể được sử dụng để đối phó Ebola. 

“Các chính phủ châu Phi nên được phép đưa ra quyết định về việc sử dụng hay không sử dụng những loại thuốc này, ví dụ để bảo vệ và điều trị cho các nhân viên y tế phải đối mặt nguy cơ lây lan cao”, 3 giáo sư viết trong một tuyên bố chung. 

WHO, “cơ quan duy nhất có thẩm quyền quốc tế cần thiết” để cho phép sử dụng các phương pháp thử nghiệm đó, “phải đảm trách vai trò lãnh đạo lớn hơn”, tuyên bố viết, đồng thời khẳng định những trường hợp nghiêm trọng hiện nay đòi hỏi phải có một phản ứng quốc tế mạnh mẽ hơn. 

Cuộc họp của WHO sẽ có sự giam gia của Ủy ban Khẩn cấp của tổ chức này và chỉ tập trung tìm ra cách ứng phó dịch Ebola. Nếu tuyên bố tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp được đưa ra, các chuyên gia sẽ vạch ra kế hoạch chi tiết và những nỗ lực nhằm phát hiện, cách ly và điều trị bệnh nhân. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới cho biết sẽ chi 200 triệu USD viện trợ khẩn cấp cho các nước khống chế Ebola bùng phát. 

Đây là đợt dịch Ebola có nhiều người chết nhất trên thế giới, với gần 900 người thiệt mạng, tập trung ở Guinea, Liberia và Sierra Leone. Nigeria đã phát hiện 10 trường hợp. CNN hôm qua dẫn lời một điều phối viên của tổ chức Bác sĩ không biên giới nói rằng, Sierra Leone, một trong 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, không có khả năng đối phó tình trạng Ebola lây lan.

Bác sĩ Anja Wolz đang công tác tại một cơ sở y tế ở Sierra Leone cho biết, các thi thể ở đây được chôn cất không an toàn, những người làm việc chôn cất không được khử trùng cơ thể, nhiều bệnh nhân vẫn lẩn trốn vì sợ.

Ebola lây lan qua tiếp xúc với máu và dịch cơ thể chứa virus. Đợt dịch hiện nay có tỷ lệ tử vong là 50-60%. Vẫn chưa có phương pháp đặc trị hay vắc-xin phòng Ebola, nhưng các bệnh nhân có cơ hội sống sót cao hơn nếu được điều trị sớm. Ebola gây ra triệu chứng ban đầu giống như cúm, sau đó gây ra xuất huyết bên trong ở những vùng như mắt và nướu. Chảy máu trong có thể khiến các bộ phận cơ thể suy giảm chức năng.

Hãng hàng không Anh British Airways vừa thông báo tạm dừng các chuyến bay đến và từ Liberia và Sierra Leone cho đến ngày 31/8 vì lo ngại dịch Ebola lây lan. Tuần trước, hai hãng hàng không khu vực đưa ra tuyên bố tương tự.

Theo Theo BBC, CNN
MỚI - NÓNG