Điều chưa biết về vụ trộm kim cương táo bạo nhất lịch sử

Nhân viên cảnh sát canh giữ hiện trường (ảnh phải) và cửa chính lối vào tầng hầm bên dưới.
Nhân viên cảnh sát canh giữ hiện trường (ảnh phải) và cửa chính lối vào tầng hầm bên dưới.
Các phương tiện truyền thông ở Anh trong những ngày gần đây đồng loạt đăng tải nguồn tin gây chấn động, liên quan đến một vụ trộm táo bạo  xảy ra ngay giữa trung tâm thủ đô London, cùng số tài sản bị mất lên tới hàng trăm triệu bảng Anh.

Lợi dụng kỳ nghỉ lễ Phục sinh, từ ngày 4 đến 6/4 vừa qua, bọn đạo chích đã đột nhập vào khu tầng hầm số nhà 88-90 phố Hatton Garden, quận Borough of Camden, một trung tâm buôn bán kim cương và đồ trang sức nổi tiếng của nước Anh. Tất cả các điểm kinh doanh ở con phố hào nhoáng này sau khi đóng cửa hết giờ bán hàng, đều ký gửi hàng hóa tại một địa điểm duy nhất chỉ giới doanh thương chuyên trong ngành kim hoàn mới được biết.

Đó là khu tầng hầm kín đáo rộng lớn thuộc sở hữu của Hãng Hatton Garden Safe Deposit Ltd, một công ty an ninh tư nhân chuyên vận chuyển và bảo quản tài sản quý đầy uy tín, cũng là công ty cung cấp két an toàn đầu tiên ở Anh, với bề dày lịch sử hơn 60 năm, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực này. Lẽ đương nhiên bọn trộm nhà nghề đã tiến hành điều nghiên thực địa chu đáo, sau khi nắm được thông tin quan trọng về nơi cất giữ này.

Sở Cảnh sát London được cấp báo về vụ trộm vào sáng sớm ngày 7/4, khi nhóm người phụ trách các cửa hiệu kim hoàn và đá quý trên phố Hatton Garden xuống khu tầng hầm để nhận đồ ký gửi chuẩn bị mở cửa bán hàng trở lại. Mọi người tá hỏa khi thấy phân nửa số két an toàn bị đục phá, còn số tài sản khổng lồ chứa bên trong đã "không cánh mà bay"...

Theo thống kê sơ bộ, đã có ít nhất 70 két lưu giữ đồ trang sức, kim cương và đá quý trị giá tối thiểu 275 triệu bảng đã bị bọn đạo chích nẫng đi. Các nhân viên điều tra Scotland Yard bước đầu thông tin: Sau khi bí mật đột nhập vào trụ sở Hãng Hatton Garden Safe Deposit Ltd, bọn trộm đã dùng thang máy chuyên dụng xuống khu hầm ngầm kiên cố rồi dùng kìm cộng lực, khoan điện, đèn xì... đục phá những dãy két bọc thép.

"Điều nghi vấn lớn nhất là bọn đạo chích ắt phải có tay trong hỗ trợ, hoặc phải có kiến thức về công nghệ thông tin mới biết được mã số bí mật để mở các cánh cửa vào tầng hầm bằng thép nguyên khối dày cả mét. Riêng hệ thống báo động hiện đại mới được trang bị trong tòa nhà đã bị bọn trộm vô hiệu hóa, kể cả mạng lưới camera giám sát an ninh cũng vậy" - đại diện nhóm cảnh sát điều tra khẳng định.

Trung tá Roy Ramm, phát ngôn viên của Scotland Yard cho biết: "Các sĩ quan đặc nhiệm chuyên trách, thuộc Phòng phòng chống tội phạm có tổ chức đang tiến hành làm việc với sự phối hợp chặt chẽ từ Ban lãnh đạo Công ty Hatton Garden Safe Deposit Ltd, nhằm thiết lập danh tính những người bị mất tài sản ký gửi, trước khi cảnh sát tổ chức gặp trực tiếp từng nạn nhân một".

Ông Michael Miller, chủ một cửa hiệu kim hoàn cho biết là mình suýt "ngất xỉu", trước cảnh bị mất trắng số tài sản trị giá nửa triệu bảng, bao gồm đồ trang sức và đồng hồ xa xỉ do không có bảo hiểm hàng hóa. "Cũng như đa phần những người thuê két ký gửi đều không đóng bảo hiểm số tài sản bên trong, bởi thực lực tài chính kinh doanh không cho phép, chẳng ai ngờ rằng điều tệ hại nhất lại xảy ra - ông Miller thổ lộ - Ở công ty bảo quản đồ ký gửi đầy uy tín này, khu tầng hầm chứa két chính là nơi an toàn nhất, bởi có tới 2 lần cửa bọc thép dày với mã khóa riêng biệt mới lọt được vào bên trong".

Điều chưa biết về vụ trộm kim cương táo bạo nhất lịch sử ảnh 1

Khu vực chứa các dãy két bảo quản tài sản ký gửi.

Nhân vụ mất trộm gây chấn động dư luận nước Anh, chuyên gia tài chính James Riley nổi tiếng trong lĩnh vực bảo quản tiền bạc và hàng ký gửi có giá trị, lên tiếng: "Thông thường chỉ các doanh nghiệp quy mô đa quốc gia hùng mạnh mới có khả năng ký hợp đồng bảo hiểm, bởi số tiền bảo hiểm đồ trang sức và đá quý luôn có giá trị tương đương với số hàng nếu được bán ra thị trường ở thời điểm ký kết. Do vậy giới chủ sở hữu các doanh nghiệp nhỏ lẻ thường chọn cách thuê két ký gửi an toàn để bảo quản hàng hóa của mình, với mức phí xê dịch  từ 300-400 bảng một năm, thay vì phải bỏ ra số tiền khổng lồ cho mục đích này. Tuy nhiên, số hàng hóa chứa bên trong không bao giờ được tiết lộ đầy đủ, đơn giản vì vấn đề thuộc phạm trù bí mật kinh doanh của chủ sở hữu, do vậy lại trở thành điều cản trở cho công tác thực nghiệm điều tra".

Tại khu hầm ngầm của Hãng Hatton Garden Safe Deposit Ltd ở trung tâm London, hiện có 300 doanh nghiệp và hơn 55 cửa hàng kinh doanh đồ trang sức thường xuyên ký gửi hàng hóa bảo quản qua đêm. Vụ trộm quy mô mới xảy ra theo đánh giá của các phương tiện truyền thông địa phương, là vụ trộm lớn nhất trong lịch sử thủ đô London nói riêng, cũng như ở Vương quốc Anh nói chung.

Vào đầu tháng 7/1987, một tên cướp có vũ trang đóng giả khách hàng thuê két ký gửi tại Trung tâm Tiền gửi an toàn thuộc tòa nhà Cheval Place ở quận Knightsbridge, trung tâm London. Sau khi được dẫn vào kho chứa két, hắn đã dùng súng khống chế các nhân viên bảo vệ, rồi nhanh chân tẩu thoát với số "chiến lợi phẩm" trị giá 60 triệu bảng. Kẻ chủ mưu Valerio Viccei bị bắt một tháng sau đó, rồi bị Tòa án London xử mức phạt 22 năm tù giam.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG