Điều gì xảy ra nếu Anh quyết 'dứt áo' dời liên minh châu Âu?

Về lâu dài, nhiều người lo ngại, vị thế của Anh trong vai trò trung tâm tài chính lớn nhất thế giới sẽ bị đe dọa nếu dời EU. Ảnh minh họa
Về lâu dài, nhiều người lo ngại, vị thế của Anh trong vai trò trung tâm tài chính lớn nhất thế giới sẽ bị đe dọa nếu dời EU. Ảnh minh họa
TPO - Ngày 23/6 tới, người dân nước Anh sẽ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc nước này có nên rời khỏi liên minh châu Âu (EU) hay không? Dư luận đưa ra nhiều ý kiến về những thuận lợi và bất lợi nếu “xứ sở sương mù” rời khỏi EU.

Ủy ban Bầu cử Anh đã khởi động chiến dịch lớn nhất từ trước tới nay nhằm vận động người dân nước này đăng ký bỏ phiếu về cuộc trưng cầu dân ý sẽ rời khỏi hay ở lại liên minh châu Âu. Chiến dịch hướng tới đối tượng vận động là 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc với chi phí lên tới 2,4 triệu bảng Anh.

Theo Thủ tướng Anh David Cameron, người dân có 40 ngày để đưa ra quyết định mang tính “lựa chọn cho cả một thế hệ”.

Thuận lợi

Cựu Thị trưởng London - nghị sỹ trong đảng Bảo thủ Anh, Boris Johnson khẳng định kinh tế Anh sẽ “khởi sắc và thịnh vượng chưa từng có” một khi nước này rời khỏi EU và nắm toàn quyền quyết định.

Theo tờ The Week, việc rời khỏi EU sẽ giúp Anh tiết kiệm một khoản đóng góp lớn phí thành viên cho khối này, khoảng hơn chục tỷ bảng Anh/năm.

EU là thị trường duy nhất trong đó không có thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Mậu dịch tự do sẽ giúp các công ty Anh xuất khẩu hàng hóa dễ dàng. Anh cũng được hưởng lợi từ những giao dịch thương mại giữa EU và các quốc gia khác. “EU hiện đang đàm phán với Mỹ để tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, điều này cũng sẽ có lợi cho doanh nghiệp Anh”, theo BBC.

Anh có nguy cơ mất đi một số quyền đàm phán khi rời EU song nước này sẽ được tự do thiết lập các thỏa thuận thương mại.

Thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage tin rằng Anh có thể đi theo con đường của Na Uy – vẫn tiếp cận thị trường chung trong khối nhưng không bắt buộc phải tuân thủ theo các quy định của EU trong các lĩnh vực như nông nghiệp, tư pháp hay nội vụ. Tuy nhiên, nhiều người nhận định việc thực hiện “cuộc ly hôn êm đẹp” không dễ dàng.

Ngoài ra, việc rời khỏi EU sẽ giúp Anh giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các tuyến biên giới và giải phóng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh khỏi các quyết định của EU.

Một vấn đề khác khá nổi cộm trong quan hệ Anh – EU là vấn đề nhập cư. Anh đã thất bại trong việc giảm lượng nhập cư xuống con số “hàng chục nghìn” do không thể ngăn cản công dân các nước thành viên EU tới nước này làm việc và cư trú. Bởi theo luật của EU, Anh không thể ngăn chặn bất cứ ai từ một nước thành viên đến sống ở trong nước này. Kết quả là một sự gia tăng lớn trong nhập cư, đặc biệt từ khu vực phía đông và nam châu Âu.

Theo như quan điểm của ông Farage, việc nhập cư nên được cắt giảm đáng kể và việc rời khỏi EU là cách duy nhất để “lấy lại quyền kiểm soát biên giới của chúng tôi”.

Bất lợi

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron – người đi đầu trong xu hướng ủng hộ Anh ở lại EU cảnh báo Brexit (việc Anh rời khỏi EU) sẽ đẩy nền kinh tế nước này vào khủng hoảng. Theo ông Cameron, Anh sẽ an toàn hơn, mạnh hơn và thịnh vượng hơn khi tiếp tục ở lại “mái nhà chung” EU, nhất là khi các đối tác châu Âu đã thông qua một số thay đổi để đảm bảo các quyền của chính phủ Anh.

Rời bỏ EU sẽ làm nền kinh tế Anh mất đi khoảng 56 tỷ bảng/năm. Nhiều chuyên gia cảnh báo, các ngân hàng lớn đã lên sẵn kịch bản đáng sợ với dự đoán đồng bảng Anh- một trong những đồng đơn vị tiền tệ mạnh nhất thế giới có thể sẽ sụp đổ, mất đến 20% giá trị.

Việc rời EU đồng nghĩa với Anh sẽ phải đối mặt với rủi ro mất đi sức mạnh quốc tế khi rời khỏi một liên minh thương mại vững mạnh. Vị thế và vai trò của Anh trong EU có ý nghĩa quan trọng với Mỹ. Việc thay đổi cơ cấu quan hệ với EU có thể gây tổn hại với quan hệ giữa London và Washington, thậm chí Anh có nguy cơ bị gạt ra ngoài các vấn đề quốc tế.

Về đầu tư, nhiều người dự đoán rằng, đầu tư có thể sẽ chậm lại từ nay cho tới khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra (23/6) do các nhà đầu tư không chắc chắn về kết quả bỏ phiếu và hệ quả của nó. Còn về lâu dài, nhiều người lo ngại, vị thế của Anh trong vai trò trung tâm tài chính lớn nhất thế giới sẽ bị đe dọa khi không còn là cửa ngõ để các ngân hàng lớn, công ty tài chính danh tiếng tăng cường hoạt động ở châu Âu.

Không chỉ vậy, về vấn đề việc làm, giáo sư Adrian Favell, chuyên ngành xã hội học tại Trung tâm nghiên cứu châu Âu, kịch bản Brexit sẽ hạn chế cơ hội những cá nhân tốt nhất ở châu Âu tới Anh làm việc.

Về mặt quân sự, tầm ảnh hưởng quân sự của nước Anh có thể cũng sẽ bị tổn hại. Mỹ không còn coi Anh là một đồng minh quan trọng như hiện nay nếu Anh rời Eu. Và ở góc độ tồi tệ hơn, nhiều người cho rằng, Anh có thể sẽ tự cô lập mình, trở thành kẻ ngoại đạo ở châu Âu, tham gia hạn chế vào thị trường chung, gần như không có tầm ảnh hưởng và có rất ít đồng minh.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.