Dọa tấn công Guam: Phép thử uy tín của lãnh đạo Mỹ - Triều

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát tên lửa Hwawong-12 vào tháng 5 năm nay ảnh: Getty Images
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát tên lửa Hwawong-12 vào tháng 5 năm nay ảnh: Getty Images
TPO - Việc Triều Tiên vừa tuyên bố sẽ bắn 4 tên lửa để tạo nên “đám lửa bao trùm” đảo Guam của Mỹ được đánh giá sẽ tạo nên tình huống thử thách uy tín của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi cả thế giới đang nhìn xem họ sẽ thực sự làm gì ngoài những trận “võ mồm”.

Đối với ông Kim, nếu không thực hiện kế hoạch phóng thử 4 tên lửa đến vùng biển quanh đảo Guam như tuyên bố hôm 10/8 thì đó sẽ là sai lầm có thể làm mất quyền lực của ông.

Đối với ông Trump, sau khi tung ra những lời cảnh cáo quyết liệt không kém, thì một vụ phóng tên lửa thành công của Triều Tiên sẽ là sự bẽ mặt khiến ông buộc phải chấp nhận lựa chọn cực kỳ khó khăn là hành động quân sự.

Nhưng kế hoạch phóng tên lửa theo kế hoạch của Triều Tiên cũng tạo ra dư địa cho khả năng thỏa hiệp, một số nhà phân tích Hàn Quốc đánh giá. Triều Tiên nói rằng việc phóng tên lửa của họ vẫn đang trong kế hoạch đến cuối tháng này mới được chốt, nghĩa là có khả năng nước này sẽ hủy hoặc hoãn.

Bốn tên lửa tầm trung Hwasong-12 sẽ được nhắm vào vùng biển Guam, nơi đặt căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ. Những tên lửa này sẽ phải bay qua chặng đường hơn 3.400km trong 17 phút 45 giây, Triều Tiên cho biết khi đưa ra thông báo. Các tên lửa sẽ rơi xuống nơi cách bờ biển Guam 18,6-24,8 dặm, Bình Nhưỡng khẳng định.

“Với việc tiết lộ kế hoạch chi tiết như vậy, Triều Tiên đang cố thể hiện rằng Hwasong-12 là hệ thống đáng tin cậy và có khả năng mang theo tên lửa hạt nhân”, ông Shin Beom-chul, một chuyên gia về an ninh tại Viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc, một cơ quan thuộc chính phủ Hàn Quốc, nhận định.
Dù Triều Tiên đã thực hiện 80 vụ thử tên lửa dưới thời ông Kim Jong-un nhưng họ chưa từng phóng tên lửa nhắm đến mục tiêu cụ thể như Guam và cũng chưa từng tiết lộ trước thông tin cụ thể về hành trình bay của tên lửa như vậy.

Khi Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa vào ngày 28/7, tên lửa này đi theo quỹ đạo dốc đứng và đạt đến tầm cao khoảng hơn 3.700km, nhưng chỉ đạt tới tầm xa hơn 1.600km tính theo chiều ngang, rồi rơi xuống gần đảo Hokkaido ở phía bắc Nhật Bản.

Triều Tiên nói rằng tên lửa Hwasong-12 của họ sẽ bay qua Nhật Bản để sang Guam. Nếu như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên tên lửa Triều Tiên bay qua một nước.

Giới phân tích cho rằng tên lửa Triều Tiên nếu bay theo cách Bình Nhưỡng mô tả thì sẽ rơi ngoài lãnh thổ Guam. Khi tên lửa bay qua Nhật Bản, chúng cũng sẽ bay trên mặt nước biển hơn 100km, và đây là giới hạn trên cùng của không phận chủ quyền của một nước.

Kế hoạch phóng thử tên lửa như vậy có thể coi như sự đáp trả liều lĩnh cảnh cáo của ông Trump rằng sẽ tấn công nếu Triều Tiên tiếp tục đe dọa Mỹ. Nhưng các nhà phân tích Hàn Quốc cho rằng kế hoạch này phản ánh một chiến lược có tính toán của nhà lãnh đạo Kim.

Ở trong nước, nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ phải lấy lòng người dân bằng sự thể hiện táo bạo trong cuộc đối đầu với Mỹ, kẻ thù của họ trong hơn 60 năm qua.

Cuối tuần qua, Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc thông qua các biện pháp mới do Mỹ soạn thảo nhằm làm mất 1/3 thu nhập từ xuất khẩu của Triều Tiên. Đây là những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất nhằm tăng sức ép khiến Triều Tiên phải từ bỏ các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

Còn nhà lãnh đạo Kim luôn đề cao chương trình hạt nhân và tên lửa như một biểu tượng của lòng sự hào và sống còn của quốc gia. Hôm 9/8 vừa qua, chính phủ Triều Tiên huy động 100.000 người ở Bình Nhưỡng để thề trung thành với nhà lãnh đạo Kim.

Hôm qua, báo Rodong Shinmun thuộc đảng Lao động Triều Tiên, dành 6 trang để nói về cuộc tập hợp lực lượng kèm theo những khẩu hiệu chống Mỹ như “quyết tâm làm hoặc chết để bảo vệ tổ quốc”.

Theo các nhà phân tích, dù kế hoạch thử tên lửa chưa được chốt nhưng ông Kim sẽ khó đảo ngược lộ trình sau khi đã chấp thuận.

Nếu thay đổi, ông Kim sẽ bị coi là yếu đuối trong cuộc đối đầu với Mỹ, ông Kim Dong-yub, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc ĐH Kyungnam ở Seoul, nhận định. 

Nguy cơ từ hiểu nhầm

Một đợt phóng tên lửa quanh đảo Guam sẽ tạo nên nhiều thách thức với Mỹ và các đồng minh.

Nếu Mỹ quyết định bắn hạ những tên lửa này thì đó sẽ là bài thử thực tế đầu tên đối với hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ lắp đặt.

Ngay cả khi những tên lửa từ Triều Tiên có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, các nhà phân tích cho rằng nếu Mỹ bắn trượt sẽ đẩy ông Trump lùi một bước hay thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến việc Mỹ lặp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc.

Nếu Mỹ phản ứng mạnh hơn, như tấn công quân sự vào các cơ sở vũ khí của Triều Tiên, sẽ gây ra rủi ro lớn.

Hôm 10/8, NBC News đưa tin Lầu Năm góc đã chuẩn bị kế hoạch cụ thể cho một cuộc tấn công phủ đầu vào các địa điểm tên lửa của Triều Tiên và chỉ chờ ông Trump hạ lệnh. Bản tin dẫn lời hai quan chức quân đội Mỹ nghỉ hưu nói rằng chìa khóa cho kế hoạch này sẽ là cuộc tấn công bằng máy bay ném bom B-1B xuất phát từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.

Cặp máy bay ném bom B-1B từ Guam đã thực hiện nhiều hoạt động tập luyện ở Nhật Bản và Hàn Quốc trong những tháng gần đây cùng máy bay quân sự của hai nước đồng minh.

Máy bay B-1B không mang theo đầu đạn hạt nhân, nhưng chắc chắn Triều Tiên sẽ đáp trả, giới phân tích nhận định.

Trong tuần này, Triều Tiên ngụ ý sẽ đáp trả bằng cách “thiêu trụi mọi vật thể” ở các tỉnh biên giới Hàn Quốc, trong đó có cả thủ đô Seoul.

Bất chấp những lời lẽ đe dọa như vậy, các nhà phân tích Hàn Quốc cho rằng giới lãnh đạo Triều Tiên là những nhà chiến lược thận trọng và họ cố tình tạo hình ảnh như những người liều lĩnh để đe dọa kẻ thù.

“Phản ứng của Triều Tiên sẽ ở mức tương xứng, phụ thuộc vào Mỹ”, ông Cheon Seong-whun, người giữ vị trí thư ký tổng thống tại Seoul cho đến vài tháng trước đây, nhận định.

Ông Cheon nói rằng ông lo sợ những cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và ông Kim có thể dẫn đến tấn công và phản công chỉ vì hiểu nhầm nhau. 

MỚI - NÓNG