Chuyên gia JICA:

Doanh nghiệp Việt muốn lớn mạnh cần đổi mới sáng tạo

Doanh nghiệp Việt muốn lớn mạnh cần đổi mới sáng tạo
TP - Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 tới 17/1 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt: 

Không ngừng sáng tạo và đổi mới, đưa ra sản phẩm tốt nhất từ năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh cao nhất. “Những tập đoàn lớn của Nhật Bản hiện nay như Honda, Toyota… đều có bước khởi điểm là những công ty nhỏ. Và có thể nói, một điểm chung giúp họ lớn mạnh chính là không ngừng nỗ lực cải tiến. Các công ty Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động cải tiến hiệu quả”, ông Aoyagi Yutaka, Tình nguyện viên cao cấp của JICA, nói.

Theo chuyên gia JICA, qua quá trình làm việc, hợp tác với nhiều doanh nghiệp Việt, ông thấy rằng, hoạt động năng suất chất lượng vẫn có những vấn đề, như thiếu sự rõ ràng trong chiến lược của người đứng đầu, chưa tiếp cận được các phương pháp hay công cụ quản lý hiệu quả, nhiều khó khăn, thiếu sót trong quản lý dữ liệu… Hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cần toàn diện từ công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, marketing, logistics tới mô hình kinh doanh, nhân sự.

Ông Yutaka nêu một số trường hợp sớm đổi mới sáng tạo và đã gặt hái thành công.  Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam bắt đầu đổi mới từ khoa học công nghệ, chi hàng chục tỷ đồng đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ hàng đầu thế giới, từ các hãng Panasonic (Nhật Bản), Salvagnini (Ý)... “Công nghệ thôi chưa đủ, Xuân Hoà còn thuê chính chuyên gia về năng suất chất lượng của Toyota về tư vấn, cải tiến quy trình sản xuất”, ông nói. Nhờ vậy, chỉ sau hai tháng, năng suất lao động tăng lên tới 118%, kỳ vọng tăng 150% sau một năm, tăng 200% sau hai năm. Năm 2016, một năm sau cổ phần hóa, lợi nhuận sau thuế trong mảng nội thất tăng gấp 10 lần năm 2015.

Nhưng luôn bị động, phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài không phải là hướng đi tốt cho doanh nghiệp Việt. Năm 2009, Công ty TNHH Một thành viên Lọc - Hoá dầu Bình Sơn (BSR) phải thuê dịch vụ tư vấn vận hành và bảo dưỡng với tổng cộng 177 chuyên gia. Sau 2 năm, các nhân sự người Việt đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, thay thế được các chuyên gia nước ngoài và liên tục giữ nhà máy vận hành ổn định ở công suất tối ưu từ 105-107%. Tính riêng năm ngoái, BSR tiết giảm được gần 633,1 tỷ đồng.

“Thông qua JICA, VJCC (Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản), chúng tôi mong nhìn thấy thêm nhiều doanh nghiệp Việt thành công và thành công hơn nữa. Tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên có khả năng phát hiện vấn đề và đủ năng lực giải quyết vấn đề trong thực tế tại mỗi doanh nghiệp”, ông Yutaka nói.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.