Đổi đời nhờ Ấn Độ, Bangladesh hoán đổi lãnh thổ giáp biên

Lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ tuần tra gần dải đất Siliguri trên khu vực biên giới giáp Bangladesh.
Lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ tuần tra gần dải đất Siliguri trên khu vực biên giới giáp Bangladesh.
TP - Ngày 1/8, Ấn Độ và Bangladesh chính thức hoán đổi chủ quyền lãnh thổ đối với 162 thửa đất gần biên giới được tạo ra từ các thỏa thuận hòa bình cấp địa phương hồi thế kỷ 18.

Nhờ thỏa thuận lịch sử này (đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới Bangladesh hồi tháng 6), hàng chục nghìn cư dân có quyền đổi quốc tịch, tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục…

Các thửa đất bị tách rời (111 ở Bangladesh và 51 ở Ấn Độ) nằm trong lãnh thổ của nước này nhưng thuộc chủ quyền của nước kia. Vì vậy, việc hoán đổi chủ quyền lãnh thổ giúp hai nước đơn giản hóa vấn đề chủ quyền của khoảng 4.000km đường biên giới và làm rõ vấn đề quốc tịch của hơn 50.000 cư dân Ấn Độ và Bangladesh.

Theo thỏa thuận hoán đổi chủ quyền, cư dân được phép chọn nơi ở và quốc tịch. Hầu hết cư dân ở các vùng đất bị tách rời nói họ vẫn ở chỗ cũ, nhưng sẽ đổi quốc tịch. Ở vùng đất Moshaldanga, Jihad Hussein Obama, một cậu bé người Bangladesh, trở thành biểu tượng của sự đổi đời nhờ thỏa thuận hoán đổi lịch sử. Cậu là em bé Bangladesh đầu tiên sinh ra tại bệnh viện Ấn Độ mà địa chỉ và danh tính thật của bố mẹ được lưu trong hồ sơ của phía Ấn Độ. Trước đây, các cư dân Bangladesh thường phải khai man tên tuổi, địa chỉ để được điều trị tại bệnh viện Ấn Độ, hoặc để được đi học phổ thông, đại học, cao đẳng.

Mẹ của Jihad, bà Asma Bibi, kể: “Tôi đau đẻ, chồng tôi đưa tôi tới bệnh viện gần nhất ở thị trấn Dinhata của Ấn Độ. Nhưng các bác sĩ từ chối tiếp nhận chỉ vì tôi là người Bangladesh”. Cuộc đấu khẩu tay đôi cuối cùng khiến hàng nghìn cư dân kéo đến bệnh viện. Bố của Jihad, ông Shahjahan Sheikh, kể: “Cuối cùng, vợ tôi cũng được nhập viện và Jihad chào đời. Tên của chúng tôi được đăng ký tại bệnh viện là bố mẹ của Jihad. Đó là lần đầu tiên một em bé được sinh ra cùng với tên thật của bố mẹ. Hai đứa đẻ trước Jihad có tên bố mẹ là người khác. Trên giấy tờ, tôi không phải là bố chúng”.

Từ ngày 1/8, phần lớn người dân sống trong các khu đất Ấn Độ nằm xa đường biên giới về phía lãnh thổ Bangladesh quyết định đổi quốc tịch từ Ấn Độ sang Bangladesh. Nhưng gần 1.000 người vẫn giữ quốc tịch Ấn Độ, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải rời bỏ nhà cửa vào hạn chót tháng 11 tới để tái định cư ở bang Tây Bengal của Ấn Độ. Trong khi đó, tất cả người Bangladesh ở 51 thửa đất quyết định đổi quốc tịch.

Trước đây, cả Ấn Độ (thời kỳ độc lập) và Bangladesh (một phần của Pakistan đến năm 1971) đều từ chối để bên còn lại quản lý phần lãnh thổ bị tách rời của mình.

Theo Theo BBC, PTI, Xinhua
MỚI - NÓNG