Dòng tiền khổng lồ đổ về tạp chí biếm họa Charlie Hebdo

Người Paris xếp hàng mua số mới của Charlie Hebdo sau vụ thảm sát.
Người Paris xếp hàng mua số mới của Charlie Hebdo sau vụ thảm sát.
Mức doanh thu kỷ lục 8 triệu Euro của Charlie Hebdo sau khi bị tấn công khủng bố cộng với các khoản hỗ trợ và quyên tặng đã mang về cho tuần báo trào phúng này tổng cộng 10 triệu Euro.

Mới đây, 5 triệu bản copy ấn phẩm mới nhất của Charlie Hebdo bằng 16 ngôn ngữ đã xuất hiện trên các kệ báo, với mỗi số có giá bán 3 Euro. Tạp chí này đã thu về 8 triệu Euro tiền bán báo - theo hãng tin RT.

Sau vụ tấn công, nhà in và nhà phân phối của Charlie Hebdo đóng góp các dịch vụ của họ, giúp báo tiết kiệm được một khoản phí.

Hồi tháng 12/2014, Charlie Hebdo phải chật vật xoay xở về tài chính và chỉ đạt số lượng phát hành 28.000 bản mỗi tuần. Báo cũng từng công khai kêu gọi sự giúp đỡ.

Hơn 40% thu nhập của Charlie Hebdo là từ nguồn khách hàng đặt mua và con số này đã vọt từ 7.000 lên 120.000 người, hãng tin RT dẫn lời Patrick Pelloux - một trong những người phụ trách của báo.

Các ấn phẩm Charlie Hebdo mới đây đã được bán hết veo trong vòng 1 giờ ở Paris. Đây là số đầu tiên sau khi tòa soạn báo trào phúng này trở thành mục tiêu của một vụ xả súng đẫm máu làm 12 người chết. Số này được mệnh danh là "số báo của những người sống sót" và được đông đảo độc giả ủng hộ. Một số người dân Pháp xếp hàng từ tờ mờ sáng trước một quầy phát hành để mua cho kỳ được số báo gây xôn xao dư luận này. Tại một số điểm phát hành, báo đã bán hết sạch chỉ trong vài phút sau khi được bày lên kệ. Nhiều quầy báo khác mới 8h sáng đã không còn báo bán. Ngoài ra, các bản sao chép của số báo này đã được rao bán trên eBay với mức giá từ 12 - 600 bảng Anh.

Ấn phẩm sau vụ thảm sát của Charlie Hebdo nổi bật với trang bìa là tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed mặc áo choàng màu trắng trên nền màu xanh lá cây, đang khóc và hai tay cầm biểu ngữ "Tôi là Charlie" đang trở thành biểu tượng cho sự ủng hộ đối với tạp chí và quyền tự do thể hiện ở châu Âu. Phía trên đầu nhà tiên tri Mohammed là dòng chữ "Tất cả sẽ được tha thứ".

Số lượng phát hành của Charlie Hebdo đã giảm mạnh trong những năm qua. Ngoài các ấn phẩm có trang bìa in hình biếm họa đấng tiên tri Mohammed của đạo Hồi bán được khoảng 100.000 bản thì tạp chí này chỉ in khoảng 60.000 bản nhưng con số bán được chưa đầy một nửa.

Sau vụ tấn công, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Fleur Pellerin cam kết giúp báo 1 triệu Euro (1,2 triệu USD) từ tiền nhà nước. Google Inc. hứa tặng 250.000 Euro trong khi báo The Guardian của Anh hỗ trợ 125.000 USD. Hiệp hội Báo chí Pháp đã mở một tài khoản ngân hàng để nhận các khoản quyên góp từ công chúng.

Charlie Hebdo phát hành thứ Tư hàng tuần trong 22 năm qua. Tôn giáo, tình dục, cái chết và các chính trị gia... không một ai và điều gì báo không chạm tới. 5 trong số các họa sĩ nổi tiếng nhất của báo có bút danh Charb, Honore, Cabu, Wolinski và Tignous nằm trong số những người bị bắn chết hôm 7/1. Bốn thành viên của phòng tin tức hiện vẫn đang nằm trong bệnh viện.

Các nguồn tin khu vực cho biết, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã thông qua các kế hoạch nhằm kiện Tạp chí biếm họa Charlie Hebdo vì đã đăng các bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammad trong bối cảnh vụ việc đã khiến các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới phẫn nộ và bất bình.

Tờ The Independent của Saudi Arabia dẫn lời Tổng Thư ký OIC Iyad Madani tuyên bố: "OIC đang nghiên cứu các quy định và pháp luật của Pháp và châu Âu cũng như các quy trình khác nhằm tiến hành hành động pháp lý đối với Tạp chí Charlie Hebdo. Nếu luật của Pháp cho phép, chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng đối với Charile Hebdo, OIC sẽ không chần chừ trong việc truy tố tạp chí này".

Trên tài khoản cá nhân của trang mạng xã hội Twitter, ông Madani nhấn mạnh: "Những bức hình biếm họa này làm tổn thương tình cảm của người Hồi giáo trên khắp thế giới. Tự do ngôn luận không nhất thiết phải trở thành ngôn từ mang tính thù hận và không được xúc phạm người khác".

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG