Đức 'đỡ đòn' cho Nga

Nữ Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin luôn tâm đầu ý hợp
Nữ Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin luôn tâm đầu ý hợp
TP - Trước các động thái của Nga ở Ukraine, hầu như toàn bộ các nước phương Tây trong khối G8 đã tuyên bố ngừng mọi công việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh khối này dự kiến sẽ họp ở Sochi vào tháng 6 năm nay. Nói cách khác, 7 cường quốc phương Tây dọa sẽ tẩy chay Hội nghị Sochi, trừ Đức.

Hơn thế nữa, nhiều nước Phương Tây còn đòi khai trừ Nga khỏi khối G8. Nhưng Đức đã chính thức lên tiếng phản đối. Ngoại trưởng Đức Walter Steinmeier cho rằng, khối G8 là diễn đàn duy nhất để các nhà lãnh đạo Phương Tây có thể trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với Tổng thống Nga Putin, bởi vậy không thể có chuyện “khai trừ” Nga khỏi khối G8.

Các nước Phương Tây còn lên tiếng đe dọa thi hành các biện pháp trừng phạt Nga, chủ yếu là về kinh tế. Nhưng ý kiến này cũng vấp phải sự phản đối từ Đức. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức khẳng định “trừng phạt sẽ kéo theo trừng phạt” và điều này chẳng có lợi cho ai.

Theo các nhà phân tích, đây là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa Đức và Nga, đặc biệt là giữa Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Nga Putin. Theo tờ L’Express, bà Merkel là đại diện duy nhất của Phương Tây mà Tổng thống Putin chịu lắng nghe.

Đức 'đỡ đòn' cho Nga ảnh 1

Tờ L’Express nhắc lại, ngay vào tối hôm 23/2, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi ông Yanukovich bị lực lượng đối lập ở Kiev phế truất, đã có cuộc điện đàm giữa bà Merkel và ông Putin, trong đó hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy mỗi khi xảy ra khủng hoảng trên thế giới, ông Putin lại tìm kiếm người đối thoại ở châu Âu.

Thế nhưng, thay vì gọi điện đến Điện Elysée hoặc Phủ Thủ tướng Anh, hay bà Catherine Ashton, Cao ủy phụ trách các vấn đề đối ngoại của Cộng đồng châu Âu EU, tổng thống Nga Putin lại gọi điện đến Thủ tướng Đức. Đấy là chưa kể ông có thể nói chuyện với bà Merkel bằng tiếng Đức hoặc bằng tiếng Nga (bà Merkel sinh trưởng ở khu vực Đông Đức cũ, còn ông Putin đã vài năm hoạt động ở Berlin với tư cách sĩ quan KGB).

Tổng thống Putin coi trọng bà Merkel hơn tất cả các nhà lãnh đạo Phương Tây khác. Ông không chỉ lắng nghe những góp ý có tính chất xây dựng mà còn chịu lắng nghe cả những lời chỉ trích gay gắt của bà. Ngoài ra, ông Putin còn biết rõ rằng bà Merkel là nhân vật có thể “hô mưa gọi gió” trong chính sách của EU đối với các nước Đông Âu.

Vốn có quan điểm thực dụng, ông Putin ưa thích tìm người đối thoại tại Berlin hơn là tại Brussels, ưa thích trao đổi với đại diện một quốc gia hùng mạnh là Đức hơn là trao đổi với đại diện một tổ chức yếu là EU. Ông càng không tìm người đối thoại ở Mỹ bởi vì trong con mắt Điện Kremli, Mỹ vẫn tiếp tục là đối thủ, thậm chí là kẻ thù.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến mối quan hệ đặc biệt giữa Đức và Nga là lĩnh vực kinh tế. Giới doanh nghiệp Đức hoạt động rất có kết quả ở Nga và những thành tựu kinh tế của Berlin luôn luôn khiến Mátxcơva hết sức khâm phục. Nguyên nhân thứ hai là mối quan hệ giữa Đức và Mỹ đã yếu đi nhiều trong thời gian qua sau khi việc Cơ quan an ninh Mỹ đã tiến hành nghe lén bà Merkel trong nhiều năm bị phanh phui.

Theo Theo Inopressa.ru
MỚI - NÓNG