Đức đồng ý mở kho tư liệu Holocaust của Đức Quốc xã

Đức đồng ý mở kho tư liệu Holocaust của Đức Quốc xã
Kho lưu trữ hồ sơ này có thể là một trong những kho dữ liệu về Holocaust (nạn tàn sát người Do Thái dưới thời Hitler) lớn nhất thế giới, chứa khoảng 50 triệu tài liệu.
Đức đồng ý mở kho tư liệu Holocaust của Đức Quốc xã ảnh 1

Viện bảo tàng Holocaust mang tên Yad Vashem đã lập hồ sơ cho hàng ngàn người Do thái chết trong thảm hoạ Holocaust.

Ngày 18/4 vừa qua là một ngày lịch sử.  Sau nhiều thập niên làm khó dễ với lý do chuyện riêng tư của nước Đức, Chính phủ Đức đã đồng ý cho phép công khai hồ sơ diệt chủng của Đức Quốc xã (Holocaust), trong đó ghi nhận 17 triệu thường dân bị xử tử, cưỡng bức lao động cho bộ máy chiến tranh của Đức Quốc xã hoặc chết thảm trong các lò hơi ngạt.

Loan báo tại Viện Bảo tàng tưởng niệm Holocaust tại Mỹ, Chính phủ Đức cho biết sẽ không bí mật sự thật về những trang hồ sơ mật Holocaust nữa - được biết từng được lưu trữ tại thị trấn Bad Arolsen thuộc miền Trung nước Đức.

Kho lưu trữ hồ sơ này có thể là một trong những kho dữ liệu về Holocaust lớn nhất thế giới, chứa khoảng 50 triệu tài liệu. Một phần trong đó được phe Đồng minh tịch thu sau khi họ giải phóng các trại tập trung của Đức Quốc xã.

Bộ trưởng Tư pháp Đức, bà Brigitte Zypries đã phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington nhân chuyến sang thăm Mỹ: “Giờ đây chúng tôi đồng ý mở kho dữ liệu này tại Bad Arolsen”.

Trước năm 1998, khoảng 20% hồ sơ Holocaust được chụp lại để lưu trữ trên vi phim (microfilm). Từ đó đến nay, khoảng phân nửa tài liệu đã được mã hóa sang dạng kỹ thuật số.

Và tất cả những nạn nhân cùng người thân của họ sống sót từ thảm họa Holocaust đều phải truy tìm thông tin thông qua kho tư liệu Bad Arolsen, nhưng đôi khi phải chờ rất lâu - thậm chí phải mất nhiều năm.

Bà Brigitte Zypries nói rằng sẽ xem xét lại một thỏa thuận quốc tế giúp bảo vệ những tư liệu này. Vì sao vậy?

Bởi vì không chỉ dùng hồ sơ này để nghiên cứu tội ác diệt chủng của bọn phát xít Đức, mà các tổ chức quốc tế còn xin truy cứu (hàng năm có gần 150.000 lượt yêu cầu) dữ liệu cho các công tác từ thiện và hỗ trợ các gia đình nạn nhân Holocaust. Chẳng hạn Hội Chữ thập đỏ quốc tế sử dụng hồ sơ để truy tìm dấu tích những người có họ hàng bị mất liên lạc trong chiến tranh.

Nhiều năm qua, dư luận quốc tế (đặc biệt là Mỹ và Anh) ngày càng tạo áp lực yêu cầu mở kho dữ liệu nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu lịch sử và cho những thân nhân các nạn nhân Holocaust có thể liên hệ được trực tiếp.

Theo ANTG

MỚI - NÓNG