Giải quyết tranh chấp trên biển Đông: Cần thượng tôn pháp luật

Nhiều chuyên gia uy tín tham dự hội thảo.
Nhiều chuyên gia uy tín tham dự hội thảo.
TP - Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, cần ưu tiên giải quyết các tranh chấp trên tinh thần thượng tôn pháp luật; Trung Quốc cần tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, tránh gây căng thẳng, đe dọa hoà bình trong khu vực. 

Ngày 23/7, tại TPHCM, ĐH Luật TPHCM phối hợp Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982” với sự tham dự của hơn 200 đại biểu trong và ngoài nước.

Không thể đứng trên luật pháp

GS Donald Rothwell, Phó trưởng Khoa Luật (ĐH Quốc gia Úc), cho biết, phán quyết buộc các bên phải tuân thủ một cách có trách nhiệm. Về việc Trung Quốc từ chối không tham gia phiên xử và không công nhận kết quả phán quyết, GS Rothwell khẳng định, đây là một sự từ chối, bác bỏ không có cơ sở; là thành viên đã ký UNCLOS, nước này phải có trách nhiệm tuân thủ phán quyết. GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) nhấn mạnh, chính Trung Quốc là quốc gia đóng vai trò tích cực trong vòng đàm phán về UNCLOS để đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp vào trọng tâm của Công ước. Do đó, không có lý do gì để Trung Quốc trì hoãn hoặc không tuân thủ phán quyết.

Theo GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM, giải quyết tranh chấp trên biển có ý nghĩa không chỉ với các nước liên quan mà với tất cả quốc gia trên thế giới. Việc giải quyết tranh chấp phải theo tinh thần thượng tôn pháp luật, trước hết bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao. Khi các biện pháp chính trị, ngoại giao không mang lại hiệu quả cần thiết thì việc sử dụng biện pháp tư pháp, nhất là biện pháp tài phán theo quy định của UNCLOS, là một lựa chọn cần thiết, văn minh.

Tránh gây căng thẳng

Theo GS Rothwell, Philippines hoàn toàn có thể đưa vụ việc ra Liên Hợp Quốc để giải quyết, thậm chí trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phân xử. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang là 1 trong 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an nên có quyền phủ quyết. Vì vậy, ưu tiên giải quyết tranh chấp trên hết vẫn là biện pháp ngoại giao. “Một trong những hệ quả (của vụ Philippines kiện Trung Quốc) là Trung Quốc sẽ bắt đầu đàm phán cụ thể hơn và thực chất hơn với Philippines và có thể sẽ cởi mở hơn trong đàm phán với Việt Nam. Nếu Trung Quốc không tuân theo phán quyết của Tòa Trọng tài, Việt Nam cần phải cân nhắc kỹ giữa các phương án tự tiến hành quy trình pháp lý theo đúng luật pháp quốc tế, hoặc cố gắng sử dụng các cơ chế khu vực”, GS Rothwell nói.

Theo GS Thayer, phán quyết là nền tảng để ASEAN và Trung Quốc nhất trí thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) một cách toàn diện hơn. Thời gian tới, các nước cần tranh luận trên cả ba mặt trận ngoại giao, chính trị và chiến lược quân sự. Mặt trận ngoại giao sẽ là phương tiện quan trọng để mở cho Trung Quốc con đường, đồng thời giúp ASEAN quan sát dễ dàng hơn các hệ quả pháp lý từ phán quyết của Tòa Trọng tài, tránh làm gia tăng căng thẳng, ông Thayer nói.

GS Thayer cho rằng, các nước liên quan cần nhanh chóng thống kê và công bố cho cộng đồng quốc tế các vụ việc bị tàu cá, tàu tuần tra Trung Quốc tấn công, quấy nhiễu. Các nước ASEAN nên liên kết xây dựng một chương trình chung, qua đó báo cáo hoạt động hung hăng và vi phạm của tàu cá, tàu tuần tra  Trung Quốc trên biển Đông. Đánh giá cao vai trò của Mỹ trong việc duy trì an ninh hàng hải trên biển Đông, song GS Thayer cũng lưu ý các quốc gia liên quan cần chú trọng những cơ chế an ninh khu vực mang tính đa phương.

Các vấn đề về an ninh hàng hải cần phải được tiếp tục đề cập thường xuyên trong các chương trình nghị sự quốc tế và khu vực, đặc biệt là hai cuộc gặp gỡ đa phương sắp tới là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Bộ  trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.

“Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei sẽ được lợi từ phán quyết của Tòa Trọng tài mà theo đó Trung Quốc không thể yêu sách các vùng biển vượt ra ngoài phạm vi cho phép của UNCLOS 1982. Nói cách khác, Tòa Trọng tài đã bác bỏ sự mở rộng của “đường lưỡi bò” vào trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển. Các bên liên quan sẽ được lợi từ việc xác định rõ quy chế đảo, đá, bãi lúc chìm lúc nổi theo UNCLOS 1982. Điều này là cơ sở cho việc phân định ranh giới các vùng biển chồng lấn”, GS  Thayer nhận xét. 

Phán quyết giúp giải quyết tranh chấp hiệu quả hơn

Giải quyết tranh chấp trên biển Đông: Cần thượng tôn pháp luật ảnh 1
Bên lề hội thảo, trả lời phóng viên báo Tiền Phong, GS Jay Batongbacal (ảnh), Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển (ĐH Philippines), cho rằng, phán quyết bác bỏ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc có tác động rất tích cực, giúp các nước trong khu vực xác định rõ hơn các phương thức để đàm phán, giải quyết tranh chấp trên biển một cách hiệu quả hơn.

Ông nghĩ sao khi có ý kiến tại hội thảo này lo ngại rằng, sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Philippine sẽ “xoay chiều”?

Thứ nhất, tôi muốn nói rằng, thực ra vụ kiện mà Philippines mang ra Tòa Trọng tài là nhằm giải quyết các vấn đề khi nó đã đi vào ngõ cụt. Thứ hai, theo tôi, phán quyết được đưa ra ngày 12/7 giúp cho các bên tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán trên những cơ sở được xác lập rõ ràng hơn. Tôi nghĩ rằng, thời gian tới, Philippines và Trung Quốc sẽ đàm phán để giải quyết các vấn đề trên cơ sở hòa bình. Phán quyết được đưa ra không phải để tạo sự căng thẳng lớn hơn. Tôi tin rằng, ở góc độ nào đấy, phán quyết mang tính chất tích cực đối với việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông.

Từ kinh nghiệm của Philippines, Việt Nam nên làm gì để tiếp tục bảo vệ chủ quyền của mình ở biển Đông?

Tôi nghĩ rằng, phán quyết này có tác động tích cực tới Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã có một chiến lược rất hợp lý đối với Trung Quốc. Phán quyết sẽ giúp Việt Nam có thể đưa được cán cân về thế cân bằng để mà ngồi vào đàm phán. Theo tôi, phân tích từ phán quyết sẽ giúp Việt Nam có được những cơ sở đàm phán rõ ràng hơn trước Trung Quốc. Nếu như việc đàm phán lại đi vào ngõ cụt giống như trường hợp của Philippines, Việt Nam cũng có thể cân nhắc để tiếp cận vấn đề này từ góc độ thủ tục tài phán quốc tế.

Cảm ơn ông.

Quốc Ngọc (thực hiện)

MỚI - NÓNG