Báo Mỹ:

Giới chức tình báo Mỹ không cho ông Trump biết tin mật

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại trụ sở Cục Tình báo Trung ương (CIA) ở bang Virginia hồi tháng 1. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại trụ sở Cục Tình báo Trung ương (CIA) ở bang Virginia hồi tháng 1. Ảnh: Getty Images
TP - Các quan chức tình báo và điệp viên Mỹ không thông báo thông tin nhạy cảm cho Tổng thống Donald Trump, báo Mỹ Wall Street Journal đưa tin.

Wall Street Journal hôm qua dẫn lời nhiều đương kim và cựu quan chức Mỹ cho rằng, giới chức tình báo không cho Tổng thống biết toàn bộ sự thật vì sợ rằng, thông tin mật có thể bị đánh cắp, bị rò rỉ sau khi đến tay ông Trump. Tuy nhiên, một người phát ngôn của Nhà Trắng tuyên bố: “Chẳng có điều gì khiến chúng tôi tin rằng, đây là một báo cáo chính xác về điều đang thực sự diễn ra”.

Theo giới quan sát, việc các quan chức tình báo Mỹ “giữ bí mật là của riêng” diễn ra sau khi nhiều cơ quan, tổ chức của Mỹ có va chạm với Tổng thống Trump và đội của ông. Hôm thứ Tư (giờ Mỹ), Tổng thống Trump đổ lỗi cho truyền thông và thông tin tình báo “bị rò rỉ một cách bất hợp pháp” đã khiến Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn phải từ chức, Mail Online đưa tin. Trước đó một ngày, Nhà Trắng nói rằng, Tổng thống Trump yêu cầu ông Flynn từ chức vì ông đã nói dối Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về mối liên hệ của ông Flynn với Đại sứ Nga tại Mỹ.

Sự ra đi của ông Flynn gây ra một làn sóng tranh cãi mới về mối quan hệ tiềm tàng của Tổng thống Trump với Mátxcơva. Dẫn tin tình báo bị rò rỉ, báo chí Mỹ đưa tin, trước lễ nhậm chức của ông Trump, ông Flynn thảo luận với Đại sứ Nga về các biện pháp Mỹ trừng phạt Nga. Hôm qua, Tổng thống Trump bình luận công khai về ông Flynn với ý bênh vực cựu trợ thủ của mình. “Thật là buồn khi ông ấy (Michael Flynn) bị đối xử quá tệ”, ông Trump nói.

Vấn đề liên quan nước Nga càng trầm trọng hơn khi báo Mỹ The New York Times đưa tin rằng, năm ngoái, cơ quan tình báo Mỹ nghe lén điện đàm giữa các quan chức tình báo Nga và các thành viên của đội vận động tranh cử của ông Trump. Tuy nhiên, tạp chí Mỹ Times dẫn lời nhiều đương kim và cựu quan chức Mỹ nói rằng, họ không tìm thấy bằng chứng đội của ông Trump làm việc với người Nga về việc tấn công tin tặc hoặc thực hiện những hoạt động khác để tác động kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ba trợ thủ của Tổng thống Trump, trong đó có ông Flynn, đã phải từ chức sau khi bị cáo buộc có liên hệ với phía Nga.

Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm thứ Tư, Tổng thống Trump không trực tiếp nói về tính chính xác của các bài báo về vấn đề tin mật, nhưng đả kích hành động làm rò rỉ thông tin. Cùng ngày, ông viết trên mạng xã hội Twitter: “Thông tin mật được “tình báo” cho đi một cách trái phép giống như cho kẹo. Rất phi Mỹ (rất không giống cách người Mỹ làm)!”.

Kêu gọi điều tra độc lập

Tổng thống Trump phớt lờ những câu hỏi rằng, liệu các cố vấn của ông có liên lạc với giới chức Nga hay không. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng, ông không biết về các mối liên lạc đó và chỉ trích các bài báo dựa vào “những nguồn tin nặc danh”.

Các thành viên đảng Dân chủ kêu gọi điều tra độc lập đối với mối quan hệ của ông Trump với Nga và thúc giục thành viên đảng Cộng hòa làm tương tự, BBC đưa tin hôm qua. “Đây là lúc các thành viên đảng Cộng hòa đặt đất nước lên trên đảng phái”, thượng nghị sĩ Chris Murphy nói. Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Cộng hòa từ chối kêu gọi điều tra độc lập. Họ nói rằng, các ủy ban của Quốc hội sẽ tiếp tục điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ.

Lãnh đạo các ủy ban về giám sát và tư pháp thuộc Hạ viện Mỹ hôm qua gửi thư tới Tổng thanh tra của Bộ Tư pháp, thúc giục ông điều tra các thông tin bị rò rỉ khiến ông Michael Flynn phải từ chức chỉ sau 24 ngày nắm trọng trách cố vấn an ninh quốc gia. “Chúng tôi rất lo ngại trước khả năng thông tin mật được bảo vệ một cách không thích đáng”, hai hạ nghị sĩ Mỹ Jason Chaffetz và Bob Goodlatte tuyên bố.

Mỹ sẽ cân nhắc làm việc với Nga

Ngày 16/2, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G20 ở Đức, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng, Washington sẽ cân nhắc làm việc với Mátxcơva nhưng cũng sẽ kiên quyết bảo vệ các lợi ích và giá trị của Mỹ cũng như của các đồng minh, BBC đưa tin. Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, ông Tillerson cho phóng viên biết, Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga nếu Nga tôn trọng cam kết đối với thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt xung đột ở miền đồng Ukraine, và có hành động thiết thực để ổn định khu vực. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis  nói rằng, Washington chưa sẵn sàng để cộng tác quân sự với Mátxcơva. Trước đó, Tổng thống Donald Trump kêu gọi cải thiện quan hệ với Nga.

MỚI - NÓNG