“Hai cường quốc hạt nhân không thể có loại quan hệ như vậy”

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson trước lúc hội đàm ngày 12/4 tại Mátxcơva. Ảnh: AP.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson trước lúc hội đàm ngày 12/4 tại Mátxcơva. Ảnh: AP.
TPO - Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói với báo giới: Mức độ tin tưởng giữa Mỹ và Nga hiện ở mức thấp;hai cường quốc hạt nhân của thế giới không thể có loại quan hệ như vậy.

Tuần trước, người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin nói rằng, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson sẽ chỉ hội đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov, không gặp ông Putin. Nhưng giới chức Nga và Mỹ sau đó thông báo,Tổng thống Putin ngày 12/4 tiếp Tillerson tại điện Kremlin sau khi hai ngoại trưởng Lavrov và Tillerson hội đàm khoảng 3 tiếng.

Cố thu hẹp bất đồng

Trước buổi hội đàm, ông Lavrov tiếp đón người đồng cấp Tillerson với thái độ lạnh nhạt bất thường, chỉ trích việc Mỹ không kích Syria, hành xử khó lường.Ông Tillerson từ tốn nói rằng, hai bên cần làm rõ những lĩnh vực có nhiều khác biệt để hiểu rõ hơn tại sao chúng tồn tại và khả năng thu hẹp chúng.

Sau các cuộc gặp với Ngoại trưởng Lavrov và Tổng thống Putin, ông Tillerson nói với báo giới: “Quan hệ Mỹ-Nga đang ở vị trí thấp. Mức độ tin tưởng giữa hai nước là thấp. Hai cường quốc hạt nhân của thế giới không thể có loại quan hệ như vậy”.

Hai bên nhất trí rằng, cần có một Syria ổn định thống nhất, không để khủng bố có chỗ dung thân, cần phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên đồng ý nối lại hotline đặc biệt giữa Nga-Mỹ dùng để ngăn va chạm trên không trên bầu trời Syria.

Ngoại trưởng Tillerson nói: “Quan điểm của chúng tôi là triều đại của gia đình Assad (Tổng thống Syria Bashar al-Assad) đang đi đến hồi kết”, nhưng quá trình chuyển giao quyền lực phải diễn ra “một cách có trật tự”. Đây được cho là dấu hiệu chính quyền Donald Trump muốn tránh thay đổi chính trị kiểu như ở Libya từng bị Nga phản đối.

Ngoại trưởng Lavrov nói Tổng thống Assad là lãnh đạo “hợp pháp” của người dân Syria, nhưng Nga sẽ không đặt ai, kể cả ông Assad, vào vị trí dẫn dắt người dân Syria. Như vậy, Nga sẵn sàng mở cửa mời ông Assad ra đi, giới quan sát nhận định.

Nga và Mỹ vẫn bất đồng trong một số lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt liên quan quyết định của chính quyền Trump tấn công chế độ Assad. Ông Tillerson nói Tổng thống Assad phải chịu trách nhiệm đối với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vì Mỹ có bằng chứng. Ngoại trưởng Lavrov nói đó là kết luận vội vàng và muốn có cuộc điều tra do Liên Hợp Quốc dẫn đầu. Các điều tra viên sẽ xem xét khu vực bị tấn công và căn cứ không quân nơi Mỹ cáo buộc khởi phát vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Phía Mỹ đã đồng ý với đề xuất này, ông Lavrov nói với báo giới.

Trước khi đến Mátxcơva, Ngoại trưởng Tillerson cáo buộc Nga hoặc “đồng lõa” với cuộc tấn công hóa học ở Syria hoặc “không đủ năng lực” ngăn cản vụ đó. Hôm qua, Nhà Trắng cáo buộc Nga cố che đậy trách nhiệm của Tổng thống Assad.

Về phần Nga, Tổng thống Putin so sánh cáo buộc của Mỹ với việc Mỹ tuyên bố Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt trước khi xâm lược quốc gia Trung Đông này năm 2003.Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Mỹ “đang trên bờ vực xung đột quân sự với Nga”.

Gia tăng trừng phạt Nga?

Ngoại trưởng Tillerson nói Mỹ tiếp tục trừng phạt Nga vì đã sáp nhập Crimea và xâm nhập miền đông Ukraine. “Cho đến khi thỏa thuận Minsk đạt được tiến triển đầy đủ, tình hình ở Ukraine vẫn sẽ là trở ngại đối với việc cải thiện quan hệ Mỹ-Nga”, ông Tillerson nói.

Ông Tillerson cũng nhắc lại kết quả nghiên cứu của 17 cơ quan tình báo Mỹ rằng, Nga đã can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 bằng cách hack thư điện tử của đảng Dân chủ và một số lãnh đạo đảng này. “Đó là một vấn đề nghiêm trọng, vấn đề mà chúng tôi biết rằng đủ nghiêm trọng để cho ra biện pháp trừng phạt mới”, Ngoại trưởng Tillerson nói. Ông Lavrov tiếp tục phủ nhận cáo buộc của Mỹ.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG