Hai nhà báo Mỹ và hành trình vạch mặt đao phủ IS

Nhà báo Adam Goldman và nhà báo Souad Mekhennet.
Nhà báo Adam Goldman và nhà báo Souad Mekhennet.
Công đầu trong việc phát hiện ra đao phủ IS không phải do Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) hay bất cứ một cơ quan tình báo phương Tây nào mà thuộc về hai nhà báo chuyên viết về khủng bố, an ninh Adam Goldman và Souad Mekhennet.

Hôm 26/2, danh tính của “Jihadi John”, kẻ thường xuyên xuất hiện trên các đoạn video hành quyết con tin người Anh, Mỹ, Nhật Bản của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị lật tẩy. Điều đáng nói là công đầu trong việc phát hiện ra tên này lại không phải do Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) hay bất cứ một cơ quan tình báo phương Tây nào mà thuộc về hai nhà báo chuyên viết về khủng bố, an ninh Adam Goldman và Souad Mekhennet.

Quyền được cung cấp thông tin

Trong một bài báo được đăng tải trên trang web của tờ Washington Post hôm 27/2, nhà báo Adam Goldman đã tâm sự rằng, cho đến bây giờ, ông cũng không thể tin được rằng mình đã tìm ra danh tính của “Jihadi John” bằng cách chắp nối các sự kiện liên tiếp liên quan đến IS và những đoạn băng đăng tải trên mạng Internet.

Adam Goldman viết, trước khi cùng nữ nhà báo Souad Mekhennet hoàn thành bài báo lật tẩy bộ mặt của “Jihadi John”, ông đã phải trải qua nhiều khó khăn, có lúc tưởng không tìm được tới đích bởi thông tin quá mù mờ.

Adam Goldman nói: “Chúng tôi đã cố gắng thu nhặt các mẩu thông tin và những dữ liệu nhỏ nhặt nhất. Việc này rất khó khăn. Mọi người đều rất kín tiếng. Nhưng chúng tôi biết, mình phải có bổn phận và trách nhiệm cung cấp tới độc giả những thông tin chính xác nhất, tin cậy nhất”. Thế là trong nhiều tháng trời, Adam Goldman cùng với Souad Mekhennet đã lặn lội trên nhiều dải đất ở Syria, Iraq, Kuwait, Arab Saudi, Pakistan và cả ở châu Âu. Trong mỗi một chuyến đi, họ chỉ thu thập được rất ít thông tin nhưng không vì thế mà họ nản lòng.

Adam Goldman kể, trong các cuộc gặp với những người từng là con tin của IS hay cả những thành viên IS đã đào ngũ, ông và đồng nghiệp luôn tìm mọi cách chắt lọc được những thông tin dù là ít ỏi nhất về “Jihadi John”. Chẳng hạn như việc phiến quân này thông thạo tiếng Arab nhưng lại nói giọng tiếng Anh theo âm của người sống lâu năm ở Anh hay việc hắn bắt các tù nhân xem video về nhóm khủng bố tại Somalia al-Shabaab ngay sau khi bắt họ.

 Từ hai đầu mối quan trọng này, Souad Mekhennet nhận nhiệm vụ thay Adam Goldman tới Anh tiếp cận với cộng đồng người Hồi giáo ở xứ sở sương mù. Trong hơn 1 tháng ở đây, Souad Mekhennet đã loại bỏ khả năng “Jihadi John” thuộc cộng đồng người Pakistan và Bangladesh ở Anh mà cô hướng tới khả năng tên này có nguồn gốc châu Phi hoặc Trung Đông.

Souad Mekhennet đưa ra nhận định rằng, nếu bắt tù nhân xem video về al-Shabaab thì có thể tên này quan tâm đến phong trào thánh chiến ở Đông Phi trước khi tới Syria. Cô dùng mọi mối quan hệ có được trong cộng đồng Hồi giáo cũng như các nhân viên tình báo Mỹ, phương Tây mà cô có được khi viết cuốn sách về Hồi giáo với Michael Hanfeld để tìm hiểu xem có ai biết hoặc thân quen với kẻ bịt mặt tự xưng “Jihadi John” hay không.

Trong khi đó, Adam Goldman chịu trách nhiệm mò mẫm lên các trang web kêu gọi thánh chiến của IS, các trang mạng xã hội bàn luận về IS và thậm chí kết bạn với một số nick được cho là thành viên của IS để tìm hiểu thêm về “Jihadi John”.

Trong một lần trò chuyện với một thành viên của IS có tài khoản trên  Twitter, Adam Goldman được gợi ý về việc “Jihadi John” giỏi máy tính và công nghệ nên mới dễ dàng xóa mọi dấu vết trên mạng Internet. Lần này, anh quyết tâm cùng với Souad  Mekhennet tới Anh để tìm hiểu thêm. Rất may, tại đây họ đã gặp được đại diện một nhóm nhân quyền Anh từng liên lạc với “Jihadi John”. Đó là Asim Qureshi, Giám đốc nghiên cứu tại tổ chức nhân quyền CAGE. Anh này chắc chắn rằng sau khi xem các đoạn băng video, nghe giọng nói và hành động thì đoán “Jihadi John” là Mohammed Emwazi, một công dân Anh gốc Kuwait.

Ngay lập tức, Adam Goldman nhờ tới sự giúp đỡ của một người bạn làm trong lực lượng cảnh sát Anh và tìm ra được chỗ ở của Mohammed Emwazi tại phía Tây London. Dần dần những thông tin về “Jihadi John” ngày càng được rõ nét và hai nhà báo đã có thể dựng lên một chân dung cụ thể. “Jihadi John” tên thật là Mohammed Emwazi là công dân Anh, sinh ra trong một gia đình bố là tài xế taxi còn mẹ ở nhà nội trợ. Tên này từng tốt nghiệp đại học Westminter và đã có lần trốn nhà sang Tanzania hồi năm 2009 nhưng không thành, bị bắt giữ và bị trục xuất về nước.

Một năm sau đó, Mohammed Emwazi còn bị MI5 thẩm vấn khi đang định lên kế hoạch tới Somalia để tham gia nhóm al-Shabaab. Cuối năm 2012, Mohammed Emwazi được cho là đã trốn sang Syria và gia nhập IS.

Và tấm lòng của người làm báo

Nhiều câu hỏi đã được Adam Goldman đặt ra ngay sau khi xác định rõ được danh tính của “Jihadi John”. Điều mà anh trăn trở nhất là tại sao MI5 đã có Mohammed Emwazi trong danh sách đen rồi mà không biết được rằng tên này chính là kẻ cầm dao đe dọa hành quyết các con tin trong những đoạn băng video. Adam Goldman và Souad Mekhennet đã không ít lần định chuyển toàn bộ tài liệu mà họ thu thập được cho MI5 và FBI để các cơ quan này tự công bố thông tin về “Jihadi John”. Nhưng rồi cuối cùng, họ quyết định, tự mình đem đến thông tin cho độc giả.

Nhiều nhà báo khi được biết về quá trình truy lùng “Jihadi John” của Adam Goldman và Souad Mekhennet đã thốt lên rằng: “Đó là sở trường của họ. Adam và Souad không bao giờ chịu lùi bước khủng bố”. Trên thực tế, Adam Goldman là một nhà báo điều tra nổi tiếng của Mỹ, từng giành giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer khi còn là phóng viên của hãng AP. Tháng 1/2013, anh mới chuyển sang làm việc cho tờ Washington Post, phụ trách chuyên mục về chống khủng bố và an ninh.

Ngoài viết báo, Adam Goldman còn viết sách về các chương trình chống khủng bố của lực lượng cảnh sát New York; tham gia nhiều cuộc điều tra độc lập của Bộ Tư pháp về những bê bối trong cơ quan tình báo an ninh. Ông thậm chí còn từng bị nghe lén điện thoại và theo dõi email khi tham gia viết bài về hệ thống nhà tù bí mật của CIA tại Romania…

Còn Souad Mekhennet lại được sinh ra ở Đức trong một gia đình bố là người Morocco và mẹ là người Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi niên thiếu, Souad Mekhennet đã sống ở Morocco trong 3 năm. Souad Mekhennet từng làm việc cho tờ Washington Post hồi năm 2002-2004 nhưng hiện giờ cô vẫn cộng tác viết tin bài về mảng Hồi giáo. Hiện chuyên mục cô phụ trách chính lại thuộc đài truyền hình ZDF của Đức. Souad Mekhennet có thế mạnh viết về Hồi giáo hoặc thánh chiến bởi cô có thời gian nghiên cứu lâu dài về cả 2 lĩnh vực này, nhất là sau khi cô được nhận học bổng Nieman tại Đại học Harvard.

Năm 2014, Souad Mekhennet còn được chọn vào danh sách những thanh niên tiêu biểu toàn cầu trên toàn thế giới. Đây là chương trình do Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức nhằm tôn vinh những cá nhân dưới 40 tuổi có những đóng góp tích cực trong nhiều lĩnh vực trên thế giới.

Theo Theo Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG