Hậu phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế

Tàu Trung Quốc tổ chức nạo vét, bồi đắp trái phép trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Reuters)
Tàu Trung Quốc tổ chức nạo vét, bồi đắp trái phép trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Reuters)
TP - Ông James Borton, chuyên gia chính sách môi trường nổi tiếng của Mỹ, cộng tác viên của báo Tiền Phong, vừa ra mắt sách mới “Islands and Rocks in the South China Sea - Post Hague Ruling” (tạm dịch: Các đảo và đá ở Biển Đông - Hậu phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế). Cuốn sách do ông Borton biên soạn tập trung vào những động thái phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông trước đây cũng như hiện nay.

Tòa trọng tài quốc tế ở La Hay, Hà Lan năm 2016 phán quyết rằng, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi quyền lịch sử đối với các vùng nước ở biển Đông. Cũng theo phán quyết này, Trung Quốc đã vi phạm một số điều khoản của UNCLOS liên quan vấn đề an toàn, môi trường biển và hoạt động của máy bay, tàu thuyền trên biển.

Đến nay, Trung Quốc phớt lờ mọi cảnh báo và phán quyết chống lại họ và tiếp tục các nỗ lực gây hấn hòng thiết lập chủ quyền bằng cách đổ hàng tấn đất cát và nghiền nát các rạn san hô để biến nhiều bãi cạn, đá ngầm thành đảo nhân tạo rồi xây đường băng cùng các cơ sở hạ tầng quân sự khác trên đó. Trung Quốc đã thiết lập 7 cơ sở như vậy; tất cả đều được trang bị các kênh tiếp cận, sân bay dành cho trực thăng, hệ thống radar, ụ súng và tên lửa, cầu tàu và nhiều cấu trúc khác có tầm quan trọng chiến lược.

Ông Borton nói: “Các nhà khoa học biển và ngư dân biết rằng, các rạn san hô khỏe mạnh cung cấp thực phẩm, giúp phòng chống bão và đem lại bản sắc văn hóa cho các cộng đồng ven biển và cư dân đảo. Thách thúc đối với tất cả chúng ta là phải tìm ra một giải pháp khu vực để bảo vệ những khu rừng nhiệt đới của biển cả trước khi quá muộn”. Các hành động của Trung Quốc trên biển Đông đã thách thức luật pháp quốc tế.

Để tiếp tục gióng hồi chuông báo động về các động thái của Trung Quốc, cũng như để thông tin thêm cho các chính phủ và các nhà lập chính sách trong và ngoài khu vực, “Islands and Rocks in the South China Sea - Post Hague Ruling” bao gồm nhiều bài viết của các học giả nổi tiếng. Ông Borton và các học giả đều tin rằng, đã đến lúc tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề ngày càng lớn đang tác động an ninh, trật tự biển.

James Borton là một trong những học giả hàng đầu thế giới thúc đẩy hợp tác khoa học để giải quyết tranh chấp biển đảo. Ông là nhà báo độc lập, chuyên gia cao cấp của Viện Mỹ - châu Á (trụ sở ở Washington, DC), tác giả cuốn sách “The South China Sea: Challenges and Promises (tạm dịch: Biển Đông: Các thách thức và triển vọng” xuất bản năm 2015.

MỚI - NÓNG