Hóa giải bất đồng

Nhà lãnh đạo ba nước trong cuộc gặp 3 bên hồi tháng 3/2014. (Ảnh: AFP).
Nhà lãnh đạo ba nước trong cuộc gặp 3 bên hồi tháng 3/2014. (Ảnh: AFP).
TP - Thỏa thuận chia sẻ tình báo về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên giữa ba đồng minh Mỹ - Nhật – Hàn đạt được vào những ngày cuối năm là một thành công ngoại giao hiếm hoi của Mỹ trong năm 2014.

Những lời đe dọa tấn công hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên được đưa ra trong thời gian gần đây khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản thực sự quan ngại. Chính vì vậy, việc ba nước thống nhất một cơ chế hợp tác tình báo chung đã được đánh giá sẽ giúp các đồng minh đáp trả nhanh các nguy cơ từ Bình Nhưỡng. Đặc biệt, đối với Nhật Bản, quốc gia nằm trong tầm bắn tên lửa tầm trung của Triều Tiên, việc thu thập kịp thời tin tức tình báo liên quan đến các hoạt động này đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, có thể nói, nếu không có sức ép của Mỹ, quốc gia đóng vai trò đảm bảo an ninh cho cả Hàn Quốc và Nhật Bản, sẽ không có thỏa thuận này. Mặc dù đều là đồng minh thân cận của Washington, song vài năm gần đây, hợp tác quân sự giữa Seoul với Tokyo tan thành mây khói do những bất đồng liên quan đến lãnh hải và lịch sử. Washington nhận định cả hai nước đều có khả năng phòng thủ tên lửa rất đáng tin cậy, nhưng việc hạn chế chia sẻ tình báo đã làm suy yếu khả năng bảo vệ quốc gia và không phận của họ.

Ngoài Triều Tiên, điều làm Mỹ quan ngại hơn cả là sự chia rẽ này đã làm nổi rõ một bất lợi đặc biệt lớn trong việc đối phó với sự trỗi dậy Trung Quốc. Điều này không chỉ làm lung lay quan hệ hợp tác quân sự Mỹ - Nhật – Hàn mà còn đe dọa trực tiếp đến lợi ích an ninh của Mỹ tại Đông Bắc Á.

Chính vì vậy, thỏa thuận tình báo Mỹ - Nhật - Hàn không chỉ được Mỹ kỳ vọng sẽ tạo ra một cơ chế hành động tập thể hiệu quả mà còn được coi là tái mở màn cho một thời kỳ hợp tác quân sự mới giữa hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản sau một thời kỳ đóng băng.

Tuy nhiên, liệu kỳ vọng của Washington có quá lớn khi những phản hồi đầu tiên cho thấy dư luận Hàn Quốc phản đối vì không tin tưởng Nhật Bản. Thậm chí, thỏa thuận còn bị đánh giá là nửa vời khi Hàn Quốc vẫn từ chối trực tiếp chuyển tin tình báo cho đối tác Nhật Bản mà thay vào đó sẽ chuyển qua trung gian Mỹ.

Rõ ràng chừng nào Tokyo và Seoul chưa hóa giải được bất đồng thì nỗ lực của Washington cố gắng kéo hai đồng minh tại Đông Bắc Á xích lại gần nhau vẫn còn khó khăn. Đây là một nguy cơ có thể làm giảm hiệu quả của các thỏa thuận hợp tác ba bên, làm suy yếu sức mạnh của liên minh quân sự mà Mỹ đã dày công xây dựng tại khu vực này.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.