Hôm nay xét xử cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra chào những người ủng hộ tại Bangkok hôm 21/7. Ảnh: AFP
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra chào những người ủng hộ tại Bangkok hôm 21/7. Ảnh: AFP
TPO - Hôm nay, 25/8, tòa án Tối cao Thái Lan đưa ra phán quyết về “số phận” của cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Nếu bị kết tôi, bà Yingluck có thể phải lĩnh mức án lên tới 10 năm tù giam.

Khoảng 4.000 cảnh sát đã được triển khai khắp các đường phố ở Bangkok hôm nay, 25/8 khi Tòa án Tối cao Thái Lan tiến hành xét xử cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra với cáo buộc lơ là, thiếu trách trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo.

Nếu bị kết án, bà Yingluck có thể sẽ phải ngồi tù 10 năm và bị cấm tham gia chính trị suốt đời.

Bản án này được cho là một “đòn trời giáng” với gia tộc giàu có và quyền uy một thời Shinawatra, đồng thời có thể khiến tình hình căng thẳng tại Thái Lan leo thang.

Khoảng 1.000 người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa án để bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Yingluck, mặc dù trước đó bà Yingluck đã kêu gọi những người biểu tình tránh xa tòa án vì lí do an ninh.

Năm 2014, bà Yingluck bị cáo buộc sơ suất trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi. Chương trình này là nội dung chủ đạo trong chiến dịch tranh cử của bà Yingluck cùng đảng Pheu Thai, đã giúp bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011.

Theo kế hoạch cam kết lúa gạo của bà Yingluck, chính phủ đã mua lúa ở mức giá gần gấp đôi so với giá thị trường. Đây là chính sách quan trọng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp nông dân Thái Lan đối với Yingluck. Chính nhờ vậy mà Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo số một thế giới.

Tuy nhiên, chương trình này cũng đã dẫn đến việc Thái Lan trở thành kho dự trữ gạo chưa bán khổng lồ. Số lượng gạo trong kho không bán được, hoặc cũng có thể là chính quyền mới chưa muốn bán. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình của giới tinh hoa ở Bangkok. Kết quả, bà Yingluck bị lật đổ vào năm 2014 và bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.

Theo chính quyền quân sự Thái Lan, chính sách sai lầm này đã gây thiệt hại khoảng 8 tỷ USD.

Sau đó, bà Yingluck trở thành tâm điểm cuộc điều tra của Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC) về vấn đề trợ cấp gạo và bị đưa ra xét xử. Quá trình tố tụng kéo dài hơn hai năm.

Tòa án buộc Yingluck phải bồi thường số tiền thất thoát trong ngân sách, lên tới hàng tỷ USD, một con số mà ngay cả gia đình giàu có như Shinawatra cũng không thể đáp ứng. Nếu không, bà phải ngồi tù. Yingluck tuyên bố mình vô tội và cho rằng những chính sách mình đưa ra để giúp đỡ người dân.

"Tôi sẵn sàng chứng minh sự vô tội của mình và tôi đã viết bản tuyên bố của mình vào ngày 1/8 rằng mình không làm bất cứ điều gì sai trái", bà Yingluck Shinawatra chia sẻ.

Bà Yingluck Shinawatra nhậm chức Thủ tướng Thái Lan năm 2011, là nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan và cũng là thủ tướng trẻ nhất trong vòng 60 năm qua.

Các nhà phân tích cho biết, chính quyền quân sự Thái Lan và các đồng minh của họ đang nỗ lực để loại bỏ sự nghiệp chính trị của bà Yingluck và anh trai tỷ phú, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người cũng bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG