Hong Kong: Bạo lực gia tăng, 20 người bị thương

Một người biểu tình Hong Kong bị cảnh sát xịt thẳng hơi cay vào mặt. Ảnh: Business Insider
Một người biểu tình Hong Kong bị cảnh sát xịt thẳng hơi cay vào mặt. Ảnh: Business Insider
TP - Bất chấp ngày đối thoại đã được ấn định, hôm qua, bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình vẫn bùng phát tại Hong Kong, làm trầm trọng thêm bế tắc giữa một chính quyền có ít lựa chọn và phong trào biểu tình đòi dân chủ ngày càng sẵn sàng đối đầu lực lượng an ninh. 

Cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Hong Kong từ khi thành phố này trở về Trung Quốc năm 1997 đã bước sang tuần thứ 4 mà không có dấu hiệu sẽ đạt được giải pháp, cho dù chính quyền đặc khu đã quyết định đối thoại với lãnh đạo sinh viên vào ngày 21/10.

Hôm qua, vài chục cảnh sát Hong Kong được trang bị khiên bảo vệ và mũ sắt xông vào đám đông biểu tình tụ tập cạnh rào chắn ở quận Mongkok phía bắc và đánh họ bằng dùi cui.

Đến tối qua, đã có 20 người bị thương. Lực lượng an ninh Hong Kong được tăng cường trong vài ngày gần đây khi chính quyền đặc khu nỗ lực giải tỏa các tuyến đường bị chặn. 

Nhiều người biểu tình thậm chí còn đội mũ bảo hiểm và dùng đồ bảo vệ tự chế từ vật dụng gia đình như thảm của em bé. Một số người biểu tình đã phải chuyển đi bằng cáng và những người khác bị thương ở đầu, bị gãy xương và bầm tím.

Hôm qua, cảnh sát thông báo họ đã sử dụng “vũ lực tối thiểu” vì người biểu tình “đột ngột tìm cách phá” vạch cô lập của họ. Tuy nhiên, đại diện đám đông biểu tình nói rằng, họ không làm gì để khiêu khích cảnh sát.

Văn phòng thông tin của Hong Kong thông báo 20 người tham gia các hoạt động biểu tình đã bị thương trong ngày 19/10, nhưng không nói rõ trong đó có bao nhiêu cảnh sát, bao nhiêu người biểu tình. 

Đụng độ xảy ra ngay sau khi chính quyền đặc khu xác nhận hôm 18/10 rằng, họ sẽ mở các cuộc đối thoại với các lãnh đạo sinh viên vào ngày 21/10. Chánh văn phòng đặc khu Carrie Lam nói với báo giới rằng, cuộc đối thoại sẽ được truyền hình trực tiếp, tập trung vào vấn đề cải cách hiến pháp và mỗi bên sẽ có 5 thành viên tham dự.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, triển vọng đạt được bước đột phá rất mong manh vì chính quyền ít có khả năng nhượng bộ đòi hỏi cốt yếu của người biểu tình, đó là việc Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh phải từ chức và cho phép tự do bầu cử lãnh đạo đặc khu vào năm 2017.

“Trừ khi có bước đột phá trong 2 tiếng đối thoại vào thứ Ba, nếu không, tôi lo rằng chúng ta sẽ thấy tình hình bế tắc thêm tồi tệ và bạo lực hơn”, Reuters dẫn lời GS Sonny Lo công tác tại Viện Giáo dục Hong Kong. “Chúng ta có thể bước vào một giai đoạn mới rắc rối hơn. Tôi hy vọng chính quyền sẽ có một số nhượng bộ, vì mọi việc có thể trở nên rất khó khăn”, GS Lo nói. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cuối tuần qua gặp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Mỹ. Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, vấn đề Hong Kong được thảo luận trong các cuộc “trao đổi thẳng thắn” về nhân quyền.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một thông báo rằng, ông Dương Khiết Trì đã nói với Ngoại trưởng Mỹ rằng, các nước không nên can thiệp vào Hong Kong, “một vấn đề nội bộ đơn thuần của Trung Quốc”.

MỚI - NÓNG