Hy Lạp: Xếp hàng dài chờ đồ ăn miễn phí

Xếp hàng dài chờ nhận xúc xích miễn phí tại trung tâm Athens
Xếp hàng dài chờ nhận xúc xích miễn phí tại trung tâm Athens
TP - Hy Lạp đang trong cơn tuyệt vọng khủng hoảng nợ công. Người dân phải xếp hàng dài để đón chờ từng bát súp, từng chiếc xúc xích.

> Dân phản đối chính sách khắc khổ, Athens tan hoang

Cuộc sống của người dân Hy Lạp giờ đang trở nên khó khăn chẳng kém gì dưới thời bị quân phát xít chiếm đóng. Trên trang nhất nhiều tờ báo ở nước này nhan nhản các bài viết “Công thức cho người đói” nhằm giúp độc giả có được các phương thức chống chọi được nghèo đói.

Đó là công thức cho các món chống đói như: củ cải khô và cây cỏ đào bới được ở các công viên cùng với mẹo phủ cà tím lên trên cơm để tạo cảm giác trông như thịt. Rồi những gợi ý: nhặt mảnh vụn bánh mì trên bàn sau khi ăn để dành cho bữa ăn cuối tuần…

Ít ai ngờ, công thức cứu đói đang trở thành chủ đề nóng ở Hy Lạp hiện nay. Những cảnh tượng tưởng chừng hiếm gặp ở thủ đô Athens, nay trở thành bình thường như người ăn xin, người hưu trí đi nhặt những rau bỏ đi sau khi các cửa hàng đóng cửa.

Những người vô gia cư thậm chí còn nhặt thức ăn trong thùng rác. Sự tuyệt vọng đến câm lặng của nhiều người trước kia vốn giàu có, nay đã phải tắt lò sưởi dù ngoài trời lạnh và chia sẻ những đồng tiết kiệm còm cõi với những người thân thất nghiệp. Những công nhân không có tiền mua vé tàu xe về nhà. Những đứa trẻ bị ngất ở trường vì đói.

Trên đường phố, người dân tranh luận về việc liệu Hy Lạp có nên chấp nhận chính sách thắt lưng buộc bụng mà Đức và một số nước châu Âu yêu cầu để đổi lấy gói cứu trợ mới.

Đi bộ dọc quảng trường Omonia, trung tâm mua sắm lớn ở thủ đô Athens, đám đông đang bàn luận sôi nổi về vụ một phụ nữ dọa tự tử nếu bị mất việc làm. Cô đã được cứu sau 5 giờ đồng hồ đứng ở ban công dọa nhảy xuống.

Athanasopoulos Periklis, 51 tuổi, kỹ sư cơ khí cho biết, sở dĩ Lambrousi Harikleia, bà mẹ hai con làm vậy vì cả hai vợ chồng được cảnh báo sẽ bị mất việc dù mức lương của họ đã rất thấp.

Periklis nói: “Chúng tôi không thể tiếp tục sống ở một đất nước trong điều kiện như thế này. Chẳng mấy chốc Hy Lạp sẽ giống như một nước châu Phi”

Tốc độ sụp đổ của Hy Lạp diễn ra nhanh chóng kể từ năm 2009. Hiện nay, cứ 5 người Hy Lạp thì 1 người thuộc diện nghèo khổ. Tỉ lệ tội phạm, bệnh tật, vô gia cư và tự tử tăng nhanh, trong khi đó giá bất động sản giảm thê thảm. Điểm sáng duy nhất của nền kinh tế Hy Lạp là ngành du lịch.

Giorgos Georgopoulos, 53 tuổi, vốn là một thương gia thành đạt cho tới những ngày cuối cùng của năm 2010. Bây giờ, anh phải chầu chực ở sở anh ninh xã hội đã nhận từng đồng trợ cấp xã hội và không biết đến bao giờ mới kiếm được việc làm. Giờ các khoản hỗ trợ đã bị cắt bỏ gần hết, anh buộc phải sống dựa vào cha mẹ già. Anh cho biết: “Tôi có kế hoạch cho cô con gái theo học đại học. Nhưng bây giờ học hành có ích gì khi các nhà khoa học cũng phải đi làm lái xe hoặc đi giao hàng để kiếm tiền?”

Những cảnh tượng tưởng chừng hiếm gặp ở thủ đô Athens, nay trở thành bình thường như người ăn xin, người hưu trí đi nhặt những rau bỏ đi sau khi các cửa hàng đóng cửa.

Anh cho biết thêm, những ngày nghỉ hạnh phúc của các gia đình ở Hy Lạp giờ đây là một ký ức xa vời. “Nhiều người Hy Lạp cũng có cảnh ngộ như tôi. Tôi sợ rằng, khi tiêu hết tiền tiết kiệm, người ta sẽ buộc phải đi ăn cướp”, anh nói.

Theodora Nikolakakou, 26 tuổi, đã tốt nghiệp và vừa mất việc tại một cửa hàng bách hóa tổng hợp nổi tiếng nhất ở Athens. Các bạn cô cũng cùng cảnh ngộ như vậy. Nhiều người đã phải di cư ra nước ngoài. Cô nói: “ Thế hệ chúng tôi rất bi quan. Tôi không biết rồi tương lai của mình sẽ thế nào nữa”.

Hạnh Lê
Theo Daily Mail

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG