Kế hoạch hoàn hảo

Ảnh: AP
Ảnh: AP
TP - Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tạm khép lại bằng vụ thử tên lửa thất bại của Bình Nhưỡng sáng 16/4. Cố vấn chính sách đối ngoại tháp tùng Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm Hàn Quốc khẳng định: “Mỹ có thông tin tình báo tốt cả trước và sau vụ phóng”, và “đó là cuộc thử nghiệm thất bại, diễn ra sau một cuộc thử nghiệm thất bại. Chúng tôi không cần sử dụng bất kỳ nguồn lực nào chống lại nó”.

Ước tính, Triều Tiên có khoảng 20 đơn vị vũ khí hạt nhân và 5.000 tấn vũ khí hóa học. Tuy Bình Nhưỡng không có tên lửa có khả năng mang vũ khí hủy diệt đến lãnh thổ Mỹ, nhưng tên lửa tầm trung của nước này đủ sức vươn tới căn cứ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam.

Trong trường hợp này, không chỉ người dân Hàn Quốc, Nhật Bản, mà công dân và 28.000 binh sĩ Mỹ sẽ bị đe dọa. Đây chính là lý do khiến Mỹ sẽ phải cân nhắc trước khi tấn công Triều Tiên. Vậy, nên hiểu động thái của Mỹ đối với bán đảo Triều Tiên theo hướng nào? Phải chăng đây là kế hoạch hoàn hảo của Washington?

Thứ nhất, Tổng thống Donald Trump muốn cho người dân Mỹ và đồng minh thấy rằng, so với người tiền nhiệm Barack Obama, ông có cách tiếp cận khác biệt đối với vấn đề Triều Tiên, và ông sẵn sàng thể hiện điều đó bất cứ lúc nào. Đầu tiên là ông bỏ qua Nga để phát động cuộc không kích Syria. Ít phút trước khi tấn công, ông Trump thông báo cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (lúc đó đang ở Mỹ). Sau đó một ngày, ông Trump đưa tàu sân bay đến gần bán đảo Triều Tiên.

Thứ hai, việc liên tục đưa tàu sân bay tới châu Á cho thấy ông Trump muốn duy trì chiến lược “xoay trục” được khởi sự dưới thời Obama, mà thực chất là kiềm chế Trung Quốc. Trước đó, giới phân tích đồn đoán Washington kết thúc chiến lược để tập trung phát triển kinh tế.

Thứ ba, Mỹ đẩy Đông Bắc Á căng thẳng buộc Triều Tiên phải thử tên lửa như giải pháp phòng ngừa. Và đây là cơ hội không thể tốt hơn để Washington chứng minh tính đúng đắn của việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc.

Thứ tư, động thái quân sự của Mỹ ở châu Á và Trung Đông trong bối cảnh vừa diễn ra cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Trung Quốc cho thấy, ông Trump sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực kinh tế, nhưng sẽ không nhượng bộ trong các vấn đề quốc tế.

Một nguồn tin Nhà Trắng hôm 15/4 tiết lộ, Mỹ không có kế hoạch đánh Triều Tiên, và Washington đang nghiên cứu giải pháp để buộc Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán, bao gồm việc gây áp lực lên Bắc Kinh. Đến đây có thể hiểu, vì sao người Mỹ bình thản đến vậy trong bối cảnh cả châu Á nín thở theo dõi từng bước đi của Triều Tiên.

MỚI - NÓNG