Kêu gọi Tổng thống từ chức

Phụ nữ Syria biểu tình chống chính phủ Ảnh: ABC News
Phụ nữ Syria biểu tình chống chính phủ Ảnh: ABC News
TP - Ngày 17-2, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết tán thành lời kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức của Liên đoàn Ảrập.

> Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết lên án Syria

Nghị quyết nhận được 137 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 17 phiếu trắng, dù 3 quốc gia nói rằng lá phiếu của họ không thể nhập vào bảng điện tử.

“Hôm nay, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) gửi một thông điệp rõ ràng tới người dân Syria - thế giới luôn bên cạnh các bạn,” Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice tuyên bố. “Đại đa số quốc gia thành viên của LHQ ủng hộ đề xuất của Liên đoàn Ảrập nhằm chấm dứt nỗi khổ đau của người Syria. Bashar al-Assad chưa bao giờ bị cô lập như thế này”, bà Rice nói.

Đại sứ Anh tại LHQ Lyall Grant nói “việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết gửi đi một thông điệp rõ ràng về sự kết án của cộng đồng quốc tế đối với những hành động của chế độ Syria và ý định quy trách nhiệm cho những ai phải chịu trách nhiệm về các hành động tàn bạo đang diễn ra”.

Phó đại sứ Ai Cập tại LHQ Osama Abdul-Khaleq nói nghị quyết là một thông điệp gửi tới Damascus rằng “đã đến lúc lắng nghe tiếng nói của người dân”.

Nga và Trung Quốc nằm trong số các quốc gia phản đối nghị quyết do Ảrập Xêút soạn thảo và được Ai Cập đệ trình với vai trò đại diện cho các quốc gia Ảrập. Khác với Hội đồng Bảo an LHQ, không nước nào trong Đại hội đồng (ĐHĐ) có quyền phủ quyết, nhưng quyết định của cơ quan này thiếu sức mạnh pháp lý so với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Nghị quyết nói rằng ĐHĐ “hoàn toàn ủng hộ” kế hoạch của Liên đoàn Ảrập nhằm chấm dứt chiến dịch chống lại những người đối lập với ông Assad kéo dài 11 tháng qua, và thúc giục Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon chỉ định một phái viên đặc biệt tới Syria.

Nghị quyết cũng lên án Damascus đã “vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống và rộng khắp”, đồng thời kêu gọi lực lượng quân sự Syria rút khỏi các thành phố, thị trấn đang hiện diện để trấn áp phe đối lập.

Mở đường cho “khủng bố”

Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Ja’afari phản đối bản nghị quyết, nói rằng đây là kế hoạch lật đổ chính phủ Syria và mở đường cho lực lượng “khủng bố” nắm giữ đất nước.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về ý đồ của các quốc gia ủng hộ nghị quyết, đặc biệt là những nước đứng đầu cuộc xâm lược chính trị và truyền thông chống lại Syria,” Ja’afari nói. Những nước này đang cung cấp “tất cả trợ giúp về truyền thông, tài chính và chính trị cho những nhóm khủng bố có vũ trang và bao che cho chúng trên các diễn đàn quốc tế”, ông nói.

“Chúc Liên đoàn Ảrập may mắn trong việc thực hiện các nhiệm vụ được Israel giao phó. Chúc mừng liên minh mới giữa Liên đoàn Ảrập và Israel và những kẻ thù lịch sử của Syria,” Đại sứ Ja’afari nói.

Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin nói nghị quyết “phản ánh một xu thế đáng lo ngại… nhằm vào chính quyền đang lãnh đạo ở Syria, nhằm loại bỏ bất kỳ tiếp xúc nào với chính quyền và để áp đặt một công thức từ bên ngoài vào để giải quyết mâu thuẫn chính trị”.

Theo Tân Hoa Xã (Trung Quốc), cũng dễ hiểu khi các nước muốn nhanh chóng đạt được bản nghị quyết, “và những yêu cầu nhanh chóng chấm dứt bạo lực nên nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, nhưng áp lực một phía không thể giúp tìm ra sự giải quyết thích hợp cho vấn đề của Syria”.

Hồi đầu tuần này, các nước Ảrập phản đối đề xuất sửa đổi của Nga đối với dự thảo một bản nghị quyết trong đó cho rằng cả chính phủ Syria và phe đối lập đều có trách nhiệm như nhau đối với tình trạng bạo lực.

Các chính trị gia phương Tây nói rằng trước khi bỏ phiếu, đa số quốc gia ủng hộ nghị quyết sẽ gây thêm áp lực đòi ông Assad nghe theo kế hoạch của Liên đoàn Ảrập, và sẽ nhấn mạnh sự cô lập của Nga và Trung Quốc đối với vấn đề này.

Iran, CHDCND Triều Tiên, Venezuela và Bolivia nằm trong số các nước phản đối bản nghị quyết, và các phái đoàn của họ ở LHQ lên tiếng ủng hộ chính phủ Syria.

Pháp và một số cường quốc phương Tây nói rằng họ muốn thuyết phục Nga không dùng quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an. Nhưng các nhà ngoại giao nói rằng không có dấu hiệu gì cho thấy Nga sẽ đồng ý để cho phép 15 quốc gia thông qua lệnh trừng phạt đối với Syria.

Mátxcơva và Bắc Kinh từng bác bỏ dự thảo nghị quyết do châu Âu soạn thảo hồi tháng 10 năm ngoái nhằm quy tội và đe dọa trừng phạt Damascus.

Theo nhiều báo cáo, các lực lượng của chính phủ Syria vừa thực hiện đợt tấn công mới vào thị trấn Deraa ở miền nam, nơi khởi nguồn của cuộc nổi dậy. Tổ chức giám sát nhân quyền ở Syria có trụ sở tại Anh nói rằng, nhiều người lo sợ sẽ xảy ra thảm sát ở làng Sahm al-Julan, tỉnh Deraa, vì có hàng chục người ở đây đã biến mất.

Theo các nhóm nhân quyền, khoảng 7.000 người dân Syria bị giết từ khi xảy ra cuộc nổi dậy chống lại ông Assad hồi tháng 3 năm ngoái.

Gia Tùng tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.