Khổ vì khoáng sản

Khổ vì khoáng sản
TP - Malaysia vừa kéo dài lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản bauxite sang Trung Quốc (TQ) thêm một quý, tức đến giữa tháng 7/2017. Đây là sự giằng xé giữa một bên là lợi nhuận quá lớn với một bên là thảm hoạ môi sinh đến mức có nguy cơ vượt tầm kiểm soát.

Với mục tiêu “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại”, TQ trở thành lò tiêu thụ khoáng sản lớn nhất thế giới trong khi núi rừng ở các nước khai thác quặng tanh bành. Là nhà tiêu thụ hàng đầu bauxite, nguyên liệu sản xuất nhôm, sản lượng nhôm của TQ năm 2016 chiếm 54% toàn cầu. Indonesia là nhà cung cấp số một bauxite cho TQ.

Chỉ khi lên làm tổng thống năm 2014, ông Joko Widodo mới hiện thực hoá hồi chuông cảnh báo cái giá mà quốc gia vạn đảo sở hữu đa dạng sinh học độc đáo phải trả. Lệnh cấm xuất bauxite của Indo được ban hành. Malaysia liền giúp các lò luyện nhôm TQ tiếp tục đỏ lửa.

Năm sau, họ xuất 20 triệu tấn, gấp 100 lần so với 2013, bỏ vào ngân khố 820 triệu USD ngon ơ. Mặt trái tấm huân chương là gì? Bang Pahang lớn thứ ba ở Malaysia, nơi thu 40 triệu USD chỉ từ tiền cho thuê mỏ, lãnh đủ. Chẳng những 15 km bờ biển, hầu như toàn bang rộng gấp 10 lần Hà Nội mở rộng của VN ngập ngụa màu đỏ của bởi bụi và bùn quặng.

Rúng động với hàng loạt biến cố như ba đứa trẻ chết chìm trong hồ bùn thải, dân đốt cháy 5 xe tải chở quặng, rồi bằng chứng nhiễm độc khắp nơi, ngày 5/1/2016, trung ương phải cho tạm ngừng khai thác bauxite ba tháng sau kiến nghị của một đại biểu quốc hội.

Quyết định tạm ngừng phải gia hạn nhiều lần và lần gần đây nhất là ngày 28/3. Song ai cũng hiểu không thể gia hạn mãi. Có điều, bản thân TQ đang có xu hướng giảm tiêu thụ khoáng sản khi ô nhiễm đe doạ giống nòi của chính dân tộc họ.

Bài học tàn phá môi sinh và cũng là tàn phá đất nước ở cái thời trước còn đó. Sau các chiến dịch “nhà nhà làm gang thép” hay “diệt chim sẻ” để sớm đuổi kịp tư bản là hàng núi gang ra lò trơ gan cùng tuế nguyệt, là hàng núi xác chim sẻ cùng dịch bệnh, mùa màng thất bát.

Từ giá nhập 75-80 USD/tấn quặng bauxite, việc TQ năm 2015 trả Malaysia chỉ 45 USD/tấn là dấu hiệu của xu thế ấy. Thiếu tiền tất nhiên khổ. Sống như trong địa ngục khổ hơn. Ai cũng biết chân lý đơn giản có môi trường sống tốt, có sức khoẻ là có thể làm giàu bằng nhiều cách, nhất là ở thời đại kinh tế tri thức.

MỚI - NÓNG