Không tạo tiền lệ

Không tạo tiền lệ
TP - Hai tuần sau khi Washington tuyên bố triển khai tàu tuần tra gần đảo nhân tạo do Trung Quốc (TQ) xây dựng trái phép ở biển Đông, tàu khu trục USS Lassen của Mỹ ngày 27/10 đã đi vào khu vực 12 hải lý gần bãi đá Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. 

Những tuyên bố cứng rắn về mặt ngoại giao liên tục được Bắc Kinh và Washington đưa ra. Truyền thông hai nước cũng thi nhau kích động “chiến tranh ngôn từ”. Đặt quan hệ Mỹ-Trung trong từ trường “nước lớn kiểu mới”, giới chức hai nước hiểu rằng, xung đột, nếu xảy ra trên biển Đông, sẽ không có lợi cho bất kỳ quốc gia nào.

48 tiếng đồng hồ sau, Đô đốc Mỹ John Richardson và Đô đốc TQ Ngô Thắng Lợi tiến hành họp trực tuyến nhằm hạ nhiệt tình hình. Hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Australia tuy nhấn mạnh lợi ích của nước này ở tuyến hàng hải biển Đông, song khẳng định không tham gia hành động của Mỹ.

Các đảo nhân tạo do TQ xây dựng ở bãi đá Subi và Vành Khăn, trái Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái các cam kết chính trị giữa Việt Nam với TQ và ASEAN với TQ, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông–DOC năm 2002. 

Tàu USS Lassen tiến vào vùng 12 hải lý nhằm hiện thực hóa cảnh báo lâu nay của Washington đối với hành vi của Bắc Kinh trong vùng biển chồng lấn trên biển Đông, là tín hiệu cho thấy Mỹ sẽ chống TQ quân sự hóa các đảo khu vực Trường Sa.

Theo TS Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới của Chính phủ, đây là các bãi cạn, không phải đảo tự nhiên và chỉ có thể đòi hỏi vùng an toàn 500m chứ không thể yêu sách 12 hải lý. Mỹ không vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo này và chỉ thực thi quyền tự do hàng hải mà luật pháp quốc tế cho phép.

Tại cuộc gặp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tháng 9/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và khẳng định “Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tàu thuyền, triển khai máy bay ở bất kì nơi nào luật quốc tế cho phép”.

Tự do hàng hải không chỉ là quyền của Mỹ mà của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam, quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông nêu rõ: Tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển.

Nếu quyền tự do hàng hải tiếp tục bị xói mòn và không được cộng đồng quốc tế liên tục lên án, thì những tuyên bố của Bắc Kinh đối với chủ quyền phi lý ở biển Đông vô tình được chấp nhận như một sự đã rồi. 

MỚI - NÓNG