Ký ức ám ảnh của thợ lặn trong thảm kịch đắm phà Sewol

Các thợ lặn được huy động tìm kiếm thi thể nạn nhân sau khi phà Sewol chìm. Ảnh: Al Jazeera.
Các thợ lặn được huy động tìm kiếm thi thể nạn nhân sau khi phà Sewol chìm. Ảnh: Al Jazeera.
Ba năm sau vụ chìm phà Sewol, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể hồi phục sau những chấn thương và ký ức kinh hoàng của thảm kịch hàng hải lớn nhất Hàn Quốc vẫn ám ảnh họ.

Tháng 4/2014, khi đang ở nhà tại Seoul, Kim Sang Ho nhận được cuộc điện thoại của một đồng nghiệp làm nghề thợ lặn để báo ông tới bờ biển phía nam ngay lập tức.

Khi đó, vụ chìm phà Sewol đã diễn ra vài ngày, ông Kim đau đáu theo dõi qua tivi hình ảnh các nhóm cứu hộ đang kiên trì tìm thi thể của hơn 300 nạn nhân vẫn mắc kẹt trong phà.

Kim Sang Ho đã nhận lời đồng nghiệp sau khi biết tại hiện trường không có đủ thợ lặn được cấp bằng đạt tiêu chuẩn. Trong hai tháng, ông đã mạo hiểm cả mạng sống khi lặn sâu xuống đáy biển mỗi ngày để tìm thi thể các nạn nhân.

“Điều tôi hối tiếc nhất là đã tới đó chậm và không thể cứu được một ai”, ông Kim chia sẻ trong cuộc phỏng vấn ở một nhà hàng nhỏ tại Gangnam, Seoul, nơi ông sinh sống.

Mặc dù lúc đến hiện trường không còn ai sống sót, ông vẫn tiếp tục lặn. “Trong khoảnh khắc, tôi nghĩ mình có thể mất mạng, nhưng điều đó không thể ngăn cản được tôi”, ông nói.

Những cơn ác mộng đeo đẳng hàng đêm

 

Phà Sewol chìm tại khu vực có những dòng hải lưu mạnh và khó quan sát khiến các thợ lặn gặp khó khăn khi tiếp cận.

Ông Kim kể rằng ngay cả khi tới được phà, mọi chuyện cũng không hề dễ dàng. Ông phải lách qua lối vào hẹp hơn chiều bả vai, trườn trên hành lang nhỏ tới phòng của hành khách, nơi tập trung hầu hết thi thể.

Ông Kim và nhiều thợ lặn khác đã lặn suốt ngày đêm, cứ 3 giờ làm việc lại đến 3 giờ nghỉ. Ông chia sẻ rằng việc lặn sâu rất nguy hiểm. Đáng lo ngại hơn khi các thợ lặn phải dùng một ống thở mỏng, dẻo, có thể gập lại được.

Ống thở này làm giảm nguồn khí của thợ lặn nhưng ông Kim cho rằng cần dùng nó vì ống thở cứng không thể giúp thực hiện những thao tác phức tạp bên trong phà.

Ngay cả thợ lặn dày dạn kinh nghiệm như ông Kim cũng có thể gặp những tình huống nguy hiểm dù ông từng phục vụ trong Hải quân Hàn Quốc từ năm 20 tuổi.

Ký ức ám ảnh của thợ lặn trong thảm kịch đắm phà Sewol ảnh 1

Những người lính của Đội cứu hộ Hải quân Hàn Quốc tiến hành hoạt động tìm kiếm và cứu hộ các hành khách mất tích trong vụ chìm phà Sewol. Nguồn: Yonhap.

Quá trình tìm kiếm những thi thể ngâm lâu dưới nước cũng là nỗi ám ảnh khiến ông mất ngủ. Thậm chí, sau 3 năm, người thợ lặn 44 tuổi vẫn không thể yên giấc.

Ông Kim thường xuyên gặp ác mộng về hình ảnh những xác chết đang phân hủy dưới đáy biển và cảm giác tiếp xúc với da thịt người chết khi ông đưa xác họ lên bờ.

Tìm đến rượu và cái chết để quên đi nỗi ám ảnh

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Kim đã chứng kiến những tấn thảm kịch đen tối nhất của Hàn Quốc.

Năm 1993, ông tham gia tìm xác các nạn nhân trong vụ chìm phà Seoha đã lấy đi sinh mạng của 292 người. Một năm sau, ông được điều động tới cứu hộ vụ sập cầu Seongsu, Seoul vào giờ cao điểm buổi sáng khiến 32 người thiệt mạng.

Những vụ việc này cùng thảm kịch chìm phà Sewol đã khiến cho người dân Hàn Quốc vô cùng bức xúc. Gia đình các nạn nhân và công luận tiếp tục thúc giục chính phủ điều tra rõ nguyên nhân vụ chìm phà Sewol.

"Chúng tôi đã phải gánh chịu nhiều mất mát cùng lúc khi những đứa trẻ, bạn bè và anh chị em của chúng tôi đều ra đi. Chúng tôi băn khoăn không hiểu thảm kịch đã xảy ra như thế nào”, Ansuk Jeong, tiến sĩ về tâm lý học cộng đồng, đồng thời là giảng viên tại khoa tâm lý của Đại học Utah (Mỹ) cho biết.

Sau thảm kịch chìm phà Sewol, ông Kim đã bỏ nghề thợ lặn. Bên cạnh những khó khăn về tâm lý, ông gặp chấn thương ở vai và vẫn chưa hồi phục sau nhiều lần phẫu thuật. Kim cho biết trong lúc lặn, ông đã bị một số đồ ở ngăn đựng hành lý trên phà rơi trúng vai.

Ký ức ám ảnh của thợ lặn trong thảm kịch đắm phà Sewol ảnh 2

Ông Kim Sang Ho dùng bữa chiều ở một nhà hàng tại quận Gangnam, Seoul. Ảnh: Al Jazeera.

Sau khi bỏ nghề, ông dành phần lớn thời gian để gặp gỡ bạn bè, uống rượu, say sưa trong các quán bar và nhà hàng ở Gangnam. Ông kể mình say sưa tối ngày vì muốn quên đi những ám ảnh.

“Tôi dùng thứ này như một loại thuốc”, ông chỉ vào cốc rượu gạo và nói.

Ông Kim thường nhắn tin cho các đồng nghiệp và khoảng một tháng một lần, họ cùng nhau tụ tập ăn uống. Những buổi gặp mặt này giống như một liệu pháp để họ chữa trị cho nhau.

“Chúng tôi thường kể cho nhau về những gì đã trải qua. Chỉ có chúng tôi mới thấu hiểu được nhau”, ông Kim chia sẻ.

Nhóm các thợ lặn càng sát cánh bên nhau sau vụ việc đau lòng xảy ra vào tháng 6/2016. Thợ lặn Kim Gwan Hong, 43 tuổi, đã tự sát tại nhà ở ngoại ô Seoul.

Ông Kim Gwan Hong cũng bị chấn thương khi tham gia tìm kiếm các nạn nhân vụ chìm phà Sewol và sau đó phải bỏ nghề. Tháng 9/2015, tại phiên điều trần của chính phủ về vụ chìm phà Sewol, ông cho biết mình bị ám ảnh về những ký ức đau thương khi tìm kiếm xác các nạn nhân.

Vụ việc của ông Kim Gwan Hong gây bàng hoàng đối với các đồng nghiệp. Sau đó, các thợ lặn trong vụ chìm phà Sewol đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ tài chính cho việc chữa bệnh và tư vấn tâm lý.

“Là người thợ lặn, chúng tôi đang làm những công việc thuộc về trách nhiệm của chính phủ. Chúng tôi phải được đền bù cho những đau thương đã trải qua”, ông Kim Sang Ho nói

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG