Lật tẩy trò bỉ ổi sau chính sách một con của Trung Quốc

Từ 1/1, Trung Quốc nới lỏng chính sách 1 con
Từ 1/1, Trung Quốc nới lỏng chính sách 1 con
Những âm thanh kỳ lạ xuyên qua bầu không khí lạnh lẽo ở Bắc Kinh, chúng phát ra từ một căn phòng nhỏ, không có gì nổi bật.

Phóng viên hãng tin CNN đã đi theo những âm thanh đấy. Chúng đến từ căn phòng nhỏ bên trong có khoảng 20 người, hầu hết đều từ 60 tuổi trở lên. Họ hát những bài hát u sầu từ thời cách mạng Trung Quốc, đau đớn và lạc điệu. Họ tự gọi mình là một ca đoàn, nhưng trên thực tế, họ đến đây không phải để hát. Họ đến để giúp nhau xóa đi đau buồn.

Mỗi người trong dàn hợp ca là một phụ huynh của một đứa con duy nhất và đứa con duy nhất ấy của họ đều đã chết.

"Tôi sẽ không bao giờ thoát khỏi đớn đau", Yang Chunhai nói. Con trai của ông đã qua đời vì bệnh bạch cầu năm ngoái khi mới 31 tuổi.

"Khi còn sống, con trai tôi nói với tôi rằng tôi phải tiếp tục sống, và đó là những gì tôi đang làm ở đây, trong nhóm này".

Ông và nhiều người khác chia sẻ với vẻ đau đớn rằng, cơ hội để thực hiện việc nối dõi với gia đình họ đã không còn nữa.

Ông Yang chỉ là một trong hàng trăm triệu cặp vợ chồng Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách một con của đất nước. Pháp luật duy trì chính sách để hầu hết các cặp vợ chồng Trung Quốc chỉ có thể có một con. Ngày 1/1 vừa qua, luật pháp đã thay đổi, giờ đây cho phép các cặp vợ chồng có đến hai con.

Nhưng chính sách một con được thắt chặt suốt 3 thập kỷ đã để lại nhiều hệ lụy. Các nhóm nhân quyền từ lâu đã cho biết, tình trạng nạo phá thai và triệt sản cưỡng bức xảy ra khá thường xuyên.

Những cặp vợ chồng nào có đủ khả năng nộp tiền phạt thì có thể có nhiều hơn một con.

"Các khoản phí được gọi là hỗ trợ xã hội này thực sự là một cách để chính quyền địa phương thu tiền", luật sư Wu Yoshui nói.

Ông Wu cho biết, chính quyền địa phương dựa khá nhiều vào số tiền phạt từ kế hoạch hóa gia đình để tài trợ cho các hoạt động của mình. Sự quan tâm của ông về chủ đề này đã bắt đầu vài năm trước đây, khi một khách hàng của ông cho biết, họ chỉ phải trả vài nghìn nhân dân tệ tiền phạt cho các quan chức địa phương để sinh con thứ hai.

Khoản tiền phạt này là rất thấp so với những người khác, vốn ông được nghe nói là đã mất tới hàng trăm nghìn nhân dân tệ. Ông nghi ngờ mức tiền phạt đã được hạ thấp để khuyến khích người dân trả tiền phạt, chứ không phải để ngăn chặn việc các gia đình có thêm con.


Ông Wu đã tự tiến hành một cuộc điều tra. Ông gửi thư cho 31 tỉnh của Trung Quốc yêu cầu được cung cấp thông tin về số tiền phạt thu được từ chính sách một con trong năm 2012.

24 tỉnh đã hồi đáp và tổng hợp các thông tin này, ông Wu biết được rằng, các tỉnh đã thu được 20 tỷ nhân dân tệ, tương đương 3,2 tỷ USD.

"Người dân thường gọi đây là “tiền bụng”, bởi tất cả đều kiếm được từ bụng của phụ nữ”, ông Wu nói.

Việc thi hành chính sách kế hoạch hóa và tiến hành thu tiền phạt cũng tiêu tốn một lượng nhân lực đáng kinh ngạc. Chính phủ cho biết, khoảng nửa triệu người làm việc cho Ủy ban kế hoạch gia đình. Chúng tạo thành một bộ máy quan liêu và tạo ra cả một thế hệ trẻ em duy nhất.

"Tôi không lạc quan về chính sách mới, bởi vì tôi nghĩ rằng phá thai cưỡng bức sẽ tiếp tục với các cặp vợ chồng có hai con", ông Wu nói.

Ông cũng cho rằng chính quyền địa phương vẫn sẽ rất tích cực đánh thuế tiền phạt đối với các gia đình, bởi vì họ vẫn cần phải dựa vào khoản thu này.

Đối với những người như Yang, các câu hỏi về tương lai là không phù hợp. Ông và những người khác trong ca đoàn lúc nào cũng đau buồn về quá khứ. Ông nói rằng con trai ông rất hiền lành và không tránh khỏi nghẹn ngào khi nhớ lại.

Ông cho biết, cho dù sẽ có nhiều thay đổi với những người khác trong tương lai, nhưng nó không còn là mối quan tâm của ông nữa.


Theo Theo Hanoimoi
MỚI - NÓNG