LHQ cân nhắc ra nghị quyết về vụ bắn hạ MH17

Cho đến hôm qua, mới tìm thấy 198 thi thể nạn nhân vụ MH17. Ảnh: Itar-Tass
Cho đến hôm qua, mới tìm thấy 198 thi thể nạn nhân vụ MH17. Ảnh: Itar-Tass
TP - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đang xem xét thông qua nghị quyết lên án vụ bắn rơi máy bay chở khách của Malaysia trên không phận Ukraine, yêu cầu các nhóm vũ trang để các chuyên gia tiếp cận đầy đủ hiện trường vụ tai nạn và kêu gọi các quốc gia trong khu vực hợp tác trong cuộc điều tra quốc tế.

Úc - nước có 28 công dân thiệt mạng trong vụ tai nạn – đã cho lưu hành dự thảo nghị quyết trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên từ hôm 19/7. Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao giấu tên nói rằng, Hội đồng Bảo an có thể bỏ phiếu trong ngày hôm nay.

Bản dự thảo “yêu cầu những ai gây ra vụ việc này phải chịu trách nhiệm và tất cả các nước hợp tác đầy đủ với tất cả nỗ lực nhằm làm rõ trách nhiệm”. Bản dự thảo cũng “lên án với những ngôn từ mạnh mẽ nhất vụ bắn hạ chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines…dẫn đến cái chết bi thương của 298 người” và “yêu cầu tất cả các nước và các bên liên quan trong khu vực kiềm chế các hành động bạo lực nhằm vào máy bay dân dụng”.

Mỹ và các cường quốc khác cho rằng, chiếc máy bay có thể bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không Buk từ khu vực mà lực lượng nổi dậy đang kiểm soát. Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Samantha Power, hôm thứ 6 nói rằng, Washington không loại trừ khả năng Nga giúp đỡ về mặt kỹ thuật để lực lượng nổi dậy có thể bắn được tên lửa. Tổng thống Nga Vladimir Putin thúc giục các tay súng nổi dậy ở miền đông Ukraine hợp tác và khẳng định một cuộc điều tra quốc tế không nên vội vã kết luận.

Bản dự thảo cũng “yêu cầu các nhóm vũ trang đang kiểm soát hiện trường tai nạn và các khu vực xung quanh kiềm chế những hành động có thể gây xáo trộn hiện trường và để các chuyên gia quốc tế tiếp cận ngay lập tức” địa điểm này. Các chuyên gia của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hôm thứ 7 nói rằng, họ đã được tiếp cận nhiều hơn tới hiện trường, nhưng các tay súng vẫn ngăn họ tiếp cận một số mảnh vỡ máy bay. 

Phái đoàn Nga tại LHQ từ chối bình luận về dự thảo nghị quyết. Trong khi đó, lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine hôm qua nói rằng, họ sẽ cho phép đoàn giám sát quốc tế tiếp cận an toàn tới hiện trường vụ tai nạn nếu Kiev đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn. Cho đến sáng qua, 198 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy.

Băng ghi âm do Ukraine công bố bị nghi giả mạo

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua gửi lời chia buồn tới Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte về vụ máy bay MH17 rơi và nói rằng, thảm họa này cần được điều tra một cách khách quan.

Hãng thông tấn Nga Itar-Tass hôm qua dẫn lời một nhóm chuyên gia nói rằng, đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa các tay súng nổi dậy mà cơ quan an ninh Ukraine đăng tải trên mạng internet sau khi chiếc MH17 bị bắn hạ là giả mạo và được lắp ghép từ nhiều đoạn hội thoại không liên quan đến nhau. 

“Đoạn ghi âm đó không phải một file mà được lắp ghép từ nhiều đoạn khác nhau”, Itar-Tass dẫn lời chuyên gia phân tích âm thanh Nikolai Popov.

Cụ thể, trong 3 đoạn ghi âm đầu tiên, chỉ huy lực lượng nổi dậy Gorlovka tên là Igor Bezler nói về chiếc máy bay bị các tay súng bắn hạ, nhưng không nói gì về loại máy bay. Ngoài ra, tên thị trấn Yenakiyevo nghe rất rõ trong đoạn băng, trong khi thị trấn này nằm cách thị trấn Snezhnoye, nơi chiếc Boeing-777 của Malaysia rơi, khoảng 100km.

Đoạn hội thoại thứ hai được ghép từ 3 đoạn khác nhau. Các chuyên gia phân tích âm thanh cho rằng, những người làm ra hai đoạn băng giả này không có đủ thời gian và chất liệu, nên dễ dàng phát hiện các lỗi trong đó.

Phương Tây cho rằng, Nga có thể cung cấp cho quân nổi dậy ở miền đông Ukraine một số hệ thống vũ khí. Với khả năng tương đối hạn chế của không quân Ukraine, quân nổi dậy có thể chống trả các cuộc không kích của quân chính phủ Ukraine với các loại vũ khí chống máy bay thô sơ như tên lửa phòng không vác vai MANPAD. 

Theo các nhà phân tích, cung cấp những loại vũ khí như vậy cho quân nổi dậy sẽ giúp Nga tránh rủi ro hơn các hệ thống phức tạp.
Điều quan trọng hơn là quân đội Ukraine cũng sử dụng tên lửa Buk. 

Tháng trước có một số báo cáo nói rằng, quân nổi dậy chiếm được ít nhất 1 tên lửa Buk từ quân đội Ukraine. Vì thế, có lý do để tin rằng, chiếc Buk dùng để bắn rơi MH17 có khả năng xuất phát từ quân đội Ukraine, nhiều nhà phân tích nhận định.

Các nhà quan sát cho rằng, dù Nga có liên quan trực tiếp hay không, Mỹ vẫn sẽ dùng vụ việc này để gây sức ép nhằm khiến Mátxcơva dừng hỗ trợ cho quân nổi dậy hoặc để thuyết phục châu Âu tăng cường gây sức ép với Nga.

ASEAN lên án vụ bắn hạ máy bay Malaysia


Ngày 20/7, các ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố cực lực lên án vụ bắn hạ máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines tại miền Đông Ukraine hôm 17/7. 

“Chúng tôi bày tỏ sự bàng hoàng trước cái chết tang thương của 298 người thuộc nhiều quốc tịch trên máy bay. Chuyến bay MH17 đang bay qua không phận không bị cấm và theo đường bay được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) tuyên bố là an toàn”, tuyên bố viết, đồng thời kêu gọi điều tra đầy đủ, độc lập và minh bạch thảm họa trên, nhấn mạnh rằng không được cản trở công tác điều tra.

Ngày 20/7, các ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố cực lực lên án vụ bắn hạ máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines tại miền Đông Ukraine hôm 17/7. 

“Chúng tôi bày tỏ sự bàng hoàng trước cái chết tang thương của 298 người thuộc nhiều quốc tịch trên máy bay. Chuyến bay MH17 đang bay qua không phận không bị cấm và theo đường bay được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) tuyên bố là an toàn”, tuyên bố viết, đồng thời kêu gọi điều tra đầy đủ, độc lập và minh bạch thảm họa trên, nhấn mạnh rằng không được cản trở công tác điều tra.

Theo Theo Diplomat, Itar-Tass, Xinhua
MỚI - NÓNG