Lí giải nguyên nhân khiến căng thẳng Nga -Thổ khó đoán

Ông Putin (trái) và ông Erdogan trong một cuộc gặp hồi năm ngoái. Ảnh: NYTimes
Ông Putin (trái) và ông Erdogan trong một cuộc gặp hồi năm ngoái. Ảnh: NYTimes
Sự giống nhau về tính cách của hai tổng thống có thể sẽ khiến căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên khó đoán và khó dàn xếp hơn.

Kể từ ngày 24/11, nước Nga có kẻ thù số một mới. Đó là Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, hay như mô tả trên truyền hình nhà nước Nga là "một kẻ bất trị và giả dối lăm le mua dầu giá rẻ từ những kẻ Hồi giáo man rợ" - ám chỉ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).

Cách đây chưa lâu, ông Erdogan còn đón nhận cái ôm nồng nhiệt nhất có thể từ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin đã mô tả vị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là "một người đàn ông mạnh mẽ", sẵn sàng can đảm đương đầu với phương Tây.

Mới một năm trước, hai nhà lãnh đạo dường như xem nhau là đồng minh mới khi cả hai đồng ý là Nga sẽ đầu tư một đường ống dẫn khí lớn có tên gọi Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ thay thế cho tuyến đường ống qua Ukraine. Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ tăng hơn gấp ba lần giao dịch thương mại hàng năm từ 30 tỷ USD lên 100 tỷ vào năm 2020.

Ông Erdogan lúc đó đã công khai khoe dự án này trong lúc phương Tây đang kêu gọi các biện pháp trừng phạt rộng hơn chống lại Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine, một động thái được ông Putin hết lời ca ngợi.

Thế rồi mọi việc thay đổi một cách chóng vánh kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, và nhất là khi phi công Thổ Nhĩ Kỳ nhấn nút phóng tên lửa vào chiếc Su-24 Nga hôm 24/11, theo NYTimes.

Ngay sau đó, ông Putin đã gọi ông Erdogan là người "đâm lén sau lưng". Ông Erdogan đã không nhận trách nhiệm trực tiếp trước ông Putin, và ngay cả khi đã xuống giọng xoa dịu, ông vẫn kiên quyết từ chối xin lỗi về việc bắn hạ chiếc Su-24. Mới đây, một tờ báo thân chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn đăng bài bình luận có tựa đề "Putin cố gắng lừa bịp thế giới bằng lời nói dối của mình", đề cập đến những hành động của Moscow trong cuộc chiến ở Syria.

Theo các chuyên gia phân tích, tính cách mạnh mẽ, không dễ dàng thỏa hiệp khá giống nhau giữa hai nguyên thủ quốc gia này đang có nguy cơ thổi bùng thêm căng thẳng, làm gia tăng nỗi lo sợ rằng NATO có thể bị kéo vào nếu như xung đột giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra và leo thang.

"Vấn đề là hai tổng thống đều ý thức được địa vị của mình và đều là những người thích rủi ro cao", Ivan Krastev, một nhà khoa học chính trị hiện đang là chủ tịch Trung tâm Chiến lược tự do ở Sofia, Bulgaria, nói.

"Không tỏ ra yếu đuối là điều rất quan trọng đối với cả ông Putin và ông Erdogan. Không ông nào chịu thoái lui, cũng không ai chịu xin lỗi ai. Về mặt này, họ giống một cặp song sinh", chuyên gia này nhận định.

Phản chiếu lẫn nhau

Giữa hai con người thường được mô tả là cứng rắn, cương quyết và mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa này có những điểm chung. Ông Putin từng chấp nhận làm thủ tướng để có thể tiếp tục điều hành đất nước trên cương vị tổng thống; ông Erdogan cũng vậy và muốn cải tổ hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ để trao nhiều quyền lực hơn cho tổng thống.

Cả hai ông đều đang cố gắng khôi phục lại ánh hào quang cho những đế chế từng một thời lừng lẫy trong lịch sử. Cả hai đều cho rằng do vấn đề lịch sử mà phương Tây không hoàn toàn thừa nhận họ.

Về đối nội, hai nhà lãnh đạo đều có những đường lối quyết liệt để bảo vệ quyền lực trước các phe phái đối lập. Về đối ngoại, NYTimes cho rằng hai ông nhiều lần cho rằng những âm mưu chống phá từ bên ngoài đã gây nên thiệt hại cho đất nước.

Với những thành công nhất định trong chính sách đối nội và đối ngoại của mình, cả ông Putin và ông Erdogan đều nhận được sự ủng hộ khá lớn của dư luận trong nước, giúp họ có đủ tự tin thực hiện các quyết sách mạnh mẽ ở bên ngoài.

Theo giới phân tích, chính những điểm tương đồng gần như "phản chiếu lẫn nhau" giữa hai chính trị gia quyền lực này đã khiến họ gần như không thể giải quyết mâu thuẫn liên quan đến vụ Su-24 bị bắn hạ nếu không có vai trò trung gian bên ngoài.

"Họ không tin tưởng lẫn nhau. Có quá nhiều tham vọng ở cả hai phía", ông Krastev nói.

Ông Putin đã yêu cầu một lời xin lỗi công khai vì hành động bắn hạ máy bay quân sự cũng như bồi thường từ giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Thái độ giận dữ của ông Putin có lẽ được phản ánh rõ nhất qua những cáo buộc nhiều lần của truyền hình nhà nước Nga rằng con trai của ông Erdogan tham gia sâu vào hoạt động giao dịch dầu ở thị trường chợ đen của IS.

Ông Erdogan thì kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc của Nga. "Họ nói dối, họ vu khống. Chúng tôi không bao giờ, không bao giờ có quan hệ làm ăn với bất kỳ tổ chức khủng bố nào. Họ phải chứng minh điều ấy, nếu họ chứng minh được, Tayyip Erdogan sẽ từ chức", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với France 24 cuối tuần qua.

Lí giải nguyên nhân khiến căng thẳng Nga -Thổ khó đoán ảnh 1

Sự phản chiếu về tính cách khiến hai nhà lãnh đạo khó có thể nhượng bộ lẫn nhau. Ảnh: Reuters.

Lời xin lỗi không được thừa nhận

Tuy nhiên, sau những lời lẽ cứng rắn ban đầu, ông Erdogan dường như đã có những bước xuống thang nhất định, dù vẫn cứng rắn tuyên bố rằng sẽ không xin lỗi Nga. Hồi cuối tuần, ông cho biết cảm thấy "đáng tiếc vì sự cố này" và ước gì nó đã không xảy ra.

"Theo cách của riêng mình, ông ấy đang cố gắng xin lỗi, nhưng tôi không nghĩ là ông Putin hiểu được", Asli Aydintasbas, một chuyên gia Quan hệ đối ngoại ở Hội đồng châu Âu nói.

Hay như Simitri Kiselyev, một người nắm rõ quan điểm của Điện Kremlin, đã nói thẳng hôm 29/11 "đường dây nóng đã bị ngắt". Trong một chương trình tin tức kéo dài hàng giờ chủ yếu để công kích Thổ Nhĩ Kỳ, ông nói thêm "phải chăng ông Erdogan không hiểu gì cả".

Tuyên bố này của ông Erdogan được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu ngấm các đòn trừng phạt kinh tế của Nga. Ngay sau khi chiếc Su-24 bị bắn hạ, các xe tải của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu ùn tắc tại khu vực biên giới Nga khi cơ quan giám sát thực phẩm Nga phát hiện các nông sản từ Thổ Nhĩ Kỳ mà họ từng tán dương một năm trước "nhiễm các vi khuẩn độc hại". Hiện vẫn chưa rõ liệu Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và các dự án lớn khác có bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt được lên kế hoạch hay không.

Các nhà phân tích cho rằng việc tiếp tục đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ ít nhiều có lợi cho ông Putin hơn là ông Erdogan. Thay vì chỉ trích phương Tây trong lúc nóng giận, Moscow chuyển sang mục tiêu mới là công kích Thổ Nhĩ Kỳ, và điều này sẽ giúp cải thiện quan hệ với phương Tây, thúc đẩy mục tiêu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi Nga sát nhập Crimea.

"Sự tự tin, quyết đoán của cả hai nhà lãnh đạo đang đẩy họ vào thế 'tôi thắng, anh phải thua'. Trong tình thế này, họ sẽ không thể tự lùi bước, bởi đó mới là con người họ. Phương Tây cần hiểu rõ điều này để không có những động thái làm gia tăng thêm căng thẳng vốn đã rất nóng giữa hai nước", Bill Park, giảng viên Khoa Nghiên cứu Quốc phòng thuộc đại học King ở London, Anh, nhận định.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG