Libya hậu Gaddafi: Chồng chất khó khăn

Thi thể ông Gaddafi được cất giữ tại gian đông lạnh của một siêu thị
Thi thể ông Gaddafi được cất giữ tại gian đông lạnh của một siêu thị
TP - Hôm nay (23-10), các nhà lãnh đạo mới của Libya sẽ tuyên bố giải phóng toàn đất nước, chậm hơn một ngày so với dự định. Tuy nhiên, đất nước Libya sau khi ông Gaddafi chết vẫn còn đầy rẫy khó khăn.

> Lời kể của tay súng đã bắn hạ Gaddafi
> NATO dừng chiến dịch quân sự tại Libya vào 31-10

Thi thể ông Gaddafi được cất giữ tại gian đông lạnh của một siêu thị
Thi thể ông Gaddafi được cất giữ tại gian đông lạnh của một siêu thị.
 

Việc tuyên bố giải phóng đất nước diễn ra sớm hơn dự định hai tháng sau khi lực lượng cách mạng tràn vào thủ đô Tripoli và nắm giữ quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ của đất nước bắc Phi giàu dầu mỏ này.

Tuy nhiên, việc ông Gaddafi bị giết chết đã làm quá trình kiểm soát đất nước của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) diễn ra nhanh chóng hơn nhằm tái thiết đất nước.

Ban đầu, các quan chức NTC cho biết, sẽ công bố giải phóng vào ngày 22-10 tại thành phố miền đông Benghazi, quê hương của phong trào cách mạng. Tuy nhiên, người phát ngôn Abdel-Rahman Busin cho biết, công tác chuẩn bị vẫn đang tiến hành nhưng diễn ra vào ngày 23-10 và không đưa ra lời giải thích cho việc trì hoãn này.

Lãnh đạo của NTC cho biết, họ sẽ công bố chính quyền lâm thời trong vòng một tháng sau khi tuyên bố giải phóng và sẽ tổ chức bầu hội đồng hiến pháp trong vòng 8 tháng, rồi sau đó sẽ tổ chức bầu quốc hội và tổng thống trong vòng 1 năm.

Chồng chất khó khăn

Theo giới phân tích, vô vàn thử thách ở phía trước đang chờ đón chính quyền sau giải phóng ở Libya. Đó là việc tái thiết một đất nước đã bị tàn phá và thu hồi lượng vũ khí khổng lồ trong dân. Nếu phần lớn lượng vũ khí ấy rơi vào tay tội phạm, tình hình an ninh sẽ trở nên khó kiểm soát.

Những mâu thuẫn gay gắt đã phát sinh ngay giữa những lực lượng tham gia cuộc chiến chống chế độ Gaddafi như việc những người đứng đầu thành phố Misrata ở phía tây từ chối công nhận NTC hay mâu thuẫn giữa các bộ lạc tại Libya có thể bị đẩy lên cao hơn.

Theo hãng tin BBC, việc thu hồi vũ khí từ các nhóm vũ trang và không gây nên sự chống đối từ phía họ là công việc thực sự gian nan. Những người lính Hồi giáo cảm thấy họ bị đặt ra ngoài lề của chính quyền quá độ, còn một số bộ lạc cảm thấy NTC không chia đều thành quả chiến thắng.

Một trong những lý do khiến nhiều chiến binh không muốn bỏ vũ khí là họ không tin vào quá trình hòa giải chính trị. Họ giữ lại súng để tự vệ khi cần thiết. Họ cho biết, chỉ buông vũ khí nếu nhận thấy tính hợp pháp của quá trình quá độ sang nền dân chủ.

Nhiều nhà phân tích quân sự dự đoán, tình hình ở Libya sẽ tương tự với Ai Cập. Sau khi người dân reo hò sung sướng khi tổng thống Ai cập Hosni Mubarak từ chức dưới sức ép của làn sóng biểu tình rầm rộ thì chỉ vài tháng sau, họ lại phải đổ ra đường để yêu cầu quân đội tiến hành cải cách khi thấy tình hình không có thay đổi gì.

Ngoài ra, NTC còn phải đau đầu với một loạt các vấn đề cần phải xử lý như tạo bầu không khí hòa giải dân tộc, đối đãi với những chiến binh từng giúp họ lật đổ Gadhafi, phục hồi các dịch vụ công trên toàn quốc, đảm bảo rằng những kho vũ khí hóa học của chế độ cũ không bị phát tán ra ngoài, lập hiến pháp mới, tổ chức tổng tuyển cử, giải quyết những người phạm tội ác chiến tranh trong chính quyền Gadhafi, xem xét khiếu nại về việc binh sĩ NTC ngược đãi tù nhân.

Xếp hàng xem thi thể GadDafi

Ngày 22-10, hàng trăm người đã xếp hàng trước cửa trung tâm với hy vọng được xem thi thể ông Gaddafi. Thi thể đầy máu của ông Gaddafi được đặt tại gian đông lạnh của trung tâm thương mại tại Misrata. Trong khi đó, nhà cầm quyền Libya vẫn còn đang tranh cãi về việc xử lý thi thể của ông Gaddafi như thế nào.

Các chiến binh tại thành phố Misrata, thành trì vững chắc của lực lượng ông Gaddafi thời nội chiến cho rằng họ được quyền sở hữu thi thể Gaddafi và buộc lui lại kế hoạch chôn ông Gaddafi vào hôm thứ sáu. Ít nhất có bốn nhóm bác sỹ đã khám nghiệm thi thể ông Gaddafi và xác định nguyên nhân cái chết là do trúng đạn vào đầu và dạ dày.

Trước đó, những bức ảnh thi thể của ông Gaddafi, 69 tuổi, đã được công bố, trong đó ông cởi trần với những vết máu khô ở đầu và tay. Người ta nhìn thấy rõ những vết thương ở ngực, bụng và bên trái đầu của ông.

Các quan chức NTC cho biết họ sẽ tiến hành chôn cất bí mật ông. Nhưng cũng có một số đồn đoán rằng họ có thể sẽ hải táng ông giống như trường hợp của trùm khủng bố Osama bin Laden để tránh rắc rối về sau.

Hạnh Phương
Theo AP, BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.