Lợi thì có lợi…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Thế giới tuần qua chứng kiến sự biến động dữ dội của giá dầu với hàng loạt những kỷ lục tồn tại cả chục năm qua bị xuyên thủng. Ngày 20/1, giá dầu về dưới ngưỡng 27 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2003.

Người tiêu dùng là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ sự đi xuống của giá dầu. Dầu và các chế phẩm được coi là nguồn nhiên liệu cung ứng phục vụ cho quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ, do đó giá dầu giảm cũng là thời cơ giúp kinh tế nhiều nước bứt phá. Ấn Độ là một ví dụ khi mà chi phí nhập khẩu dầu giảm mạnh đã đưa quốc gia Nam Á này trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất hành tinh.

Tuy nhiên, sản xuất và tinh chế dầu lại là ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia vốn là đầu tàu của nền kinh tế thế giới. Bởi vậy, sự trì trệ của lĩnh vực này ảnh hưởng tiêu cực tới đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn và trung hạn.

Trước tiên là Nga, nước có sản lượng dầu cao nhất thế giới với 10 triệu thùng/ngày, đang điêu đứng vì giá bán thấp hơn chi phí khai thác. Tiếp theo là Saudi Arabia với sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, nổi tiếng có đời sống xa xỉ, nay phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Mỹ với sản lượng tương đương Saudi Arabia, đã đóng cửa hàng loạt điểm khai thác khiến thị trường lao động ngành dầu mỏ lao đao. Nigeria, cường quốc xuất khẩu dầu mỏ ở Phi châu, cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Nguồn thu từ dầu sút giảm mạnh cũng gây bất ổn ở những nơi mà tình hình chính trị như “chỉ mành treo chuông”: Vùng Vịnh, Venezuela, và thổi bùng nguy cơ đối đầu ở Trung Đông, trong đó các cường quốc dầu mỏ Mỹ, Nga, Saudi Arabia, Iran… chính là những bên can dự.

Sự suy giảm giá dầu đã phủ màn đen u ám lên Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa kết thúc ở Davos (Thụy Sĩ). Chủ đề Diễn đàn năm nay là “Nắm vững Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4”, với mục tiêu giải quyết 10 thách thức toàn cầu. Tuy khủng hoảng dầu mỏ không được coi là thách thức, nhưng giới tinh hoa thừa nhận “cơn lũ giá dầu” có thể cản trở cuộc cách mạng này.

Đầu năm 2015, khi giá dầu bắt đầu suy giảm, giới kinh tế nhận định: “Giá dầu thấp trong thời gian dài”. Đến cuối năm 2015, họ tiếp tục đánh giá: “Giá dầu thấp trong thời gian dài nữa”. Còn tại Davos năm nay, người ta bắt đầu nói tới viễn cảnh tồi tệ: “Giá dầu còn rất thấp trong thời gian rất dài nữa”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.