Xét xử vụ giết người nghi là Kim Jong-nam:

Luật sư tố cảnh sát Malaysia thiếu hợp tác

Đoàn Thị Hương được hộ tống ra khỏi phiên tòa. Ảnh: CNA.
Đoàn Thị Hương được hộ tống ra khỏi phiên tòa. Ảnh: CNA.
TP - Phát biểu sau phiên tòa lần hai xét xử Đoàn Thị Hương và nghi phạm người Indonesia trong vụ giết hại người đàn ông Triều Tiên được cho là ông Kim Jong-nam, một luật sư tố cảnh sát Malaysia thiếu hợp tác trong việc cung cấp bằng chứng.

Tại phiên tòa sáng 13/4, Tòa án Sepang, bang Selangor, Malaysia chấp nhận đề nghị của công tố viên Malaysia kéo dài thời gian xét xử để hoàn thiện hồ sơ. Tòa quyết định phiên xét xử tiếp theo sẽ diễn ra ngày 30/5.

Sáng 13/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cử đại diện Đại sứ quán cùng các luật sư Malaysia và hai luật sư Việt Nam có mặt tại phiên tòa theo dõi diễn biến xét xử để bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của Đoàn Thị Hương.

Đại sứ quán khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các cơ quan chức năng trong nước cùng với các luật sư Malaysia và luật sư Việt Nam để thúc đẩy việc xét xử công bằng, khách quan, cũng như bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của Hương.

Phiên tòa xét xử Đoàn Thị Hương (28 tuổi) và Siti Aishah (25 tuổi) chấp nhận đề nghị của các công tố viên về việc xét xử hai nghi phạm này cùng nhau và chuyển vụ án lên xét xử ở cấp cao hơn. Công tố viên trưởng Muhamad Iskandar Ahmad nói rằng, cần có thêm thời gian để thu thập thêm tài liệu từ nhiều cơ quan khác nhau.

Hôm qua, Hương và Aishah được hộ tống riêng biệt đến tòa án (cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 1 giờ lái xe). Tòa được canh gác nghiêm ngặt. Trong phiên tòa đầu tiên vào ngày 1/3, hai cô gái này bị buộc tội cùng 4 người đàn ông mà cảnh sát Malaysia xác định là những người Triều Tiên đã rời Kuala Lumpur về Bình Nhưỡng ngay trong ngày nạn nhân bị sát hại bằng chất độc. Interpol đã phát lệnh cảnh báo đỏ đối với 4 người này.

Cảnh sát chưa cung cấp bằng chứng

Hôm qua, Reuters dẫn lời các luật sư của Hương và Siti nói trước tòa rằng, cảnh sát Malaysia không phản hồi yêu cầu của họ về việc cung cấp bằng chứng, trong đó có dữ liệu camera giám sát và lời khai của 3 người Triều Tiên đã được Malaysia cho về nước. Ba người Triều Tiên được phép trở về Bình Nhưỡng cuối tháng trước, để đổi lại việc Triều Tiên nhận lại thi thể người được cho là ông Kim Jong-nam.

“Chúng tôi mất cơ hội kiểm tra chéo đối với họ… Không nên xử án mà thiếu bằng chứng”, Reuters dẫn lời luật sư của Siti, ông Gooi Soon Seng, nói với các phóng viên đợi bên ngoài tòa án.

Ông Gooi nói rằng, một trong 3 nghi phạm được rời khỏi Malaysia là Ri Jong-chol (còn có tên khác là James) là một nhân chứng chủ chốt và việc người này trở về Bình Nhưỡng đã cản trở việc bào chữa. Ông Hisyam Teh, luật sư của Hương, yêu cầu cảnh sát cung cấp những bằng chứng như ảnh và trao đổi trong 2 điện thoại mà cảnh sát tịch thu từ Hương.

Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia, ông Khalid Abu Bakar, bác bỏ cáo buộc rằng cảnh sát cản trở vụ án hay từ chối hợp tác với các luật sư bào chữa. Ông Khalid nói một số bằng chứng “chỉ có thể được cung cấp trong lúc xử án”. “Chúng tôi không thể trình hết bằng chứng vào lúc này”, ông Khalid nói.

MỚI - NÓNG