Lý do Trung Quốc hối hả bảo vệ biên giới với Triều Tiên

Triều Tiên thử tên lửa. Ảnh: KCNA.
Triều Tiên thử tên lửa. Ảnh: KCNA.
TP - Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát khu vực biên giới với Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo tiếp tục tăng nhiệt và tăng lo ngại về khả năng Mỹ dùng biện pháp quân sự với Bình Nhưỡng.

Biên giới Triều Tiên - Trung Quốc kéo dài 1.415 km dọc Liêu Ninh, tỉnh của Trung Quốc có ngành công nghiệp và khai mỏ phát triển mạnh nên luôn dày đặc khói bụi. Trong những tháng không quá buốt giá, thành phố Đan Đông của Trung Quốc đón đông đảo du khách đến để nhìn ngắm Triều Tiên, chủ yếu từ thuyền trên sông Áp Lục chia cách hai nước. Ngoài du khách, những chiếc xe tải chở hàng Trung Quốc ầm ầm đi về phía Triều Tiên trong khi số ít người mua sắm và người buôn bán đi theo hướng ngược lại.

Giao lưu qua biên giới vẫn được duy trì ngay cả khi quan hệ giữa Triều Tiên với một trong những đồng minh lớn nhất của họ xấu đi sau những vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của Bình Nhưỡng và sự phản đối giận dữ từ Bắc Kinh. Những bài viết đăng gần đây trên trang web của chính phủ và quân đội Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang di chuyển lực lượng để củng cố biên giới khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao, còn một số quan chức Mỹ kêu gọi thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng.

Dù quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên rất mạnh mẽ từ sau chiến tranh Triều Tiên nhưng vùng biên giới giữa hai nước là một trong những khu vực được Trung Quốc canh phòng quân sự nghiêm ngặt nhất. Bắc Kinh đã tổ chức tập các đợt trận bắn đạn thật và tấn công bằng trực thăng ở khu vực này trong những tháng gần đây. Theo một bài viết đăng trên trang web chính thức của quân đội Trung Quốc tháng trước, một lữ đoàn biên phòng mới được thành lập đang tuần tra để thu thập thông tin tình báo, đánh giá tình hình và vẽ chính xác bản đồ vùng biên giới. Một bài viết khác nói rằng, toàn bộ khu vực đã được đặt trong tình trạng “giám sát bằng video 24/24” nhờ các máy bay không người lái, xe tuần tra và camera công nghệ cao.

Vùng biên giới có vai trò quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc và đã chứng kiến xung đột trong Thế chiến II cũng như chiến tranh Triều Tiên. Nhưng mối quan tâm đầu tiên đối với Bắc Kinh không phải là nguy cơ các lực lượng quân sự tràn qua biên giới mà là người tị nạn, giới phân tích nhận định. Dù Triều Tiên chứng tỏ khả năng xoay xở đáng ngạc nhiên trước các biện pháp trừng phạt kinh tế, nhưng nước này từng trải qua nhiều trận đói lớn và tình trạng mất an ninh lương lực. Vì thế, giới phân tích cho rằng, một cuộc xung đột trên bán đảo sẽ khiến hàng trăm ngàn, thậm trí hàng triệu người Triều Tiên kéo sang Trung Quốc. Đây là mối lo ngại lớn đối với Bắc Kinh, Hội đồng Đối ngoại - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York nhận định.

Giống như cuộc khủng hoảng Syria khiến các nước láng giềng phải gồng mình gánh vác và gây ra nhiều vấn đề chính trị ở châu Âu, nhiều người ở Trung Quốc lo lắng họ sẽ phải chịu gánh nặng về kinh tế và an ninh nếu xảy ra xung đột dù nhỏ trên bán đảo Triều Tiên.

Tháng 3 năm nay, Thiếu tướng Vương Hải Vận của quân đội Trung Quốc nói rằng, nước này “cần chuẩn bị hành động quân sự càng sớm càng tốt để đề phòng nguy cơ nổ ra chiến tranh” trên bán đảo. “Khi chiến tranh nổ ra, chúng ta phải tính đến chuyện lập trại tị nạn quốc tế trên lãnh thổ Triều Tiên để ngăn ngừa người tị nạn Triều Tiên tràn vào”, ông Vương viết trong một bài thể hiện quan điểm riêng báo Trung Quốc Global Times (Thời báo Hoàn cầu).

Chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo liên lục địa lần hai

Một quan chức quốc phòng Mỹ vừa nói rằng, Triều Tiên có vẻ đang chuẩn bị thực hiện một vụ thử tên lửa đạn đạo lần thứ hai, nhân dịp kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Cuối tuần qua, các xe tải chở thiết bị tên lửa bị phát hiện đang di chuyển đến Kusong, địa điểm Triều Tiên thực hiện vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây. Kinh nghiệm cho thấy với những hoạt động như vậy, Triều Tiên có thể phóng tên lửa trong vòng 6 ngày tới, vị quan chức Mỹ nói. Trong khi đó, Mỹ cho biết sẽ thực hiện vụ thử tên lửa phòng thủ từ một đảo của Alaska vào ngày 29/7. Đầu tháng này, Mỹ bắn hạ thành công mục tiêu bằng hệ thống chống tên lửa THAAD. Sau vụ thử, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ nói: “Việc vận hành thành công hệ thống THAAD chống lại mối đe dọa tên lửa đạn đạo tầm trung giúp tăng cường năng lực quốc phòng trước mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Triều Tiên và các nước khác”.

Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ Mike Pompeo tuần trước nói ngụ ý ủng hộ thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên vừa được hãng thông tấn KCNA dẫn lời dọa sẽ tấn công hạt nhân “vào trái tim của nước Mỹ” nếu tình báo Mỹ tìm cách loại bỏ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. “Trong bối cảnh căng thẳng đang tăng và nguy cơ nổ ra xung đột quân sự trên bán đảo, tôi chắc rằng Trung Quốc đang vội vã chuẩn bị các kế hoạch quân sự dự phòng”, ông Tong Zhao, nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie Thanh Hoa (Trung Quốc), nhận định.

Hôm 24/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, nói rằng “quân sự không nên là một lựa chọn để giải quyết vấn đề của bán đảo Triều Tiên”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về việc Trung Quốc vạch các kế hoạch dự phòng chiến tranh. Quân đội Trung Quốc đang “duy trì khả năng sẵn sàng tác chiến bình thường, huấn luyện bình thường ở dọc biên giới Trung Quốc - Triều Tiên”, ông Lục nói.

Đầu năm nay, Thời báo Hoàn cầu cảnh báo, “nếu vấn đề Triều Tiên sôi lên, chiến tranh trên bán đảo là điều không thể tránh khỏi; cuộc chiến đó sẽ gây ra nhiều rủi ro với Trung Quốc hơn tác động của các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Bình Nhưỡng”.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.