Malaysia phản ứng mạnh với Trung Quốc ở biển Đông

Trung Quốc đang xây bồi đắp, xây đảo nhân tạo với tốc độ chóng mặt. Ảnh: IHS
Trung Quốc đang xây bồi đắp, xây đảo nhân tạo với tốc độ chóng mặt. Ảnh: IHS
TP - Malaysia vừa phản ứng mạnh mẽ trước sự xâm nhập của tàu tuần duyên Trung Quốc vào vùng biển phía bắc đảo Borneo - một bước đi cứng rắn bất thường của nước này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đông, báo Mỹ Wall Street Journal và tạp chí Nhật Bản The Diplomat nhận định.

Tuần trước, báo The Borneo Post đưa tin, một tàu tuần duyên Trung Quốc đã bị phát hiện xâm nhập vùng biển tại bãi cạn Luconia. Tàu Trung Quốc không chỉ tiến vào mà còn neo đậu chỉ cách bờ biển Sarawak vỏn vẹn 84 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và nằm ở cực nam “đường lưỡi bò”, cách bờ biển Trung Quốc tới 2.000 km.

Theo The Diplomat ngày 9/6, đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc tiến sâu vào vùng biển Malaysia như vậy. Mấy năm gần đây, tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm biên giới biển của một số quốc gia Đông Nam Á. Malaysia trước nay nhìn chung khá mềm mỏng trong tranh chấp biển Đông và ứng xử với Bắc Kinh. Phản ứng của Malaysia trước sự cố mới nhất cho thấy sự lo ngại tăng lên. Bộ trưởng An ninh quốc gia Malaysia Shahidan Kassim cho biết sẽ họp với Bộ Ngoại giao, Cơ quan An ninh quốc gia, hải quân và lực lượng tuần duyên về vấn đề tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Malaysia. Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak sẽ trực tiếp nêu vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore  mới  đây,  Bộ  trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cảnh báo, tình hình tranh chấp biển Đông đang trở nên tồi tệ hơn và có thể leo thang thành một trong những cuộc xung đột tồi tệ nhất. Cũng tại Shangri-La, tướng Mohd Zin, Tư lệnh lực lượng vũ trang Malaysia, cũng chỉ trích các động thái của Trung Quốc trên biển Đông.

Biển Đông nổi cộm trong quan hệ Mỹ - Trung

Báo Hong Kong South China Morning Post ngày 9/6 đưa tin, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đã tới Mỹ để hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter về vấn đề biển Đông, trong lúc quan hệ Trung - Mỹ đang căng thẳng do hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông, cũng như vấn đề an ninh mạng.

Tháp tùng tướng Phạm có Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Ngô Xương Đức và Tư lệnh đại quân khu Bắc Kinh Tống Phổ Tuyển. Diễn biến căng thẳng Trung - Mỹ được dự báo sẽ phủ bóng chương trình nghị sự trong chuyến công du Mỹ của ông Phạm và các nhà lãnh đạo Mỹ chắc chắn sẽ “thảo luận thẳng thắn nhất có thể” với các tướng Trung Quốc, một quan chức quân sự cấp cao Mỹ phát biểu trên Defensenews.

Ông Xue Li, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định trên báo Want Daily (Đài Loan) rằng, căng thẳng Mỹ-Trung về tranh chấp biển Đông sẽ dần hạ nhiệt và được giải quyết hòa bình trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình vào tháng 9. Ông Xue nói Trung Quốc sẽ xem xét ngừng bồi lấp, xây đảo ở biển Đông nếu như Mỹ yêu cầu các bên khác cũng hành động tương tự. Theo ông Xuề, một thỏa thuận liên quan có thể sẽ đạt được trước khi ông Tập gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đảo nhân tạo có thể ngăn chặn quân đội Mỹ

Ngày 9/6, phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói rằng, việc Trung Quốc bồi đắp làm đảo nhân tạo, thiết lập các chức năng căn cứ quân sự ở biển Đông sẽ dẫn tới việc nước này tăng sự hiện diện quân sự trong vùng biển. Theo Bộ trưởng Nakatani, các đảo san hô chìm được bồi đắp thành các căn cứ quân sự của Trung Quốc có thể ngăn cản quân đội Mỹ di chuyển qua biển Đông để tới biển Hoa Đông hỗ trợ Nhật Bản trong những trường hợp cần thiết. Các căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo có thể giúp quân đội Trung Quốc chuyển quân sang Tây Thái Bình Dương.                    

Đ.P (theo NHK)

MỚI - NÓNG
Từ 1/7/2024, áp quy định giá tối đa sách giáo khoa
Từ 1/7/2024, áp quy định giá tối đa sách giáo khoa
TPO - Bộ GD&ĐT vừa có chỉ đạo về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đối với năm học mới 2024 -2025. Trong đó thông tin, đơn vị đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện từ ngày 1/7/2024.