Malaysia: Ukraine phải chịu trách nhiệm vụ MH17

Các điều tra viên tại hiện trường MH17 rơi. Ảnh: Getty Images
Các điều tra viên tại hiện trường MH17 rơi. Ảnh: Getty Images
TP - Lần đầu tiên Malaysia tuyên bố nước này tin rằng chính quyền Ukraine phải chịu trách nhiệm về tấn thảm kịch chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ, trang tin Đài Loan Want China Times ngày 29/7 dẫn lại bài viết trên nhật báo Singapore Lianhe Zaobao.

Bộ trưởng GTVT Malaysia Liow Tiong Lai tuyên bố, chính quyền Ukraine phải chịu trách nhiệm về thảm kịch, vì chính các kiểm soát viên không lưu Ukraine đã cho phép MH17 bay qua không phận nước này để rồi bị bắn hạ hôm 17/7.

Ông Liow nói rằng, các kiểm soát viên không lưu của Ukraine đã không thông báo cho phi công MH17 là họ không được phép bay qua khu vực chiến sự nguy hiểm. Theo ông, chính quyền Ukraine phải có trách nhiệm thông báo cho MH17 về bất kỳ nguy cơ nào.

Trong khi truyền thông phương Tây cáo buộc phe ly khai ở Ukraine bắn hạ MH17, Bộ trưởng Liow nói cần có thêm thời gian để xác minh thông tin, chính phủ Malaysia sẽ không vội vàng kết luận. Ông Liow cho biết, trong tuần này, Thủ tướng Malaysia Najib Razak thăm Hà Lan để thảo luận vụ bắn hạ máy bay thương mại với người đồng cấp chủ nhà.

Báo Le Monde (Pháp) đưa tin, ngày 29/7, thủ lĩnh phe ly khai ở miền đông Ukraine tổ chức họp báo tuyên bố người của ông không bắn hạ MH17.

Ngày 28/7, Hội đồng An ninh Hà Lan lên tiếng phản đối việc Ukraine tiết lộ thông tin giải mã hộp đen MH17, cho rằng điều đó không có lợi cho cuộc điều tra vụ máy bay bị bắn hạ. Hội đồng này nêu rõ, trước khi chuyển giao hộp đen cho Cục Điều tra hàng không Anh, chưa có ai giải mã thiết bị ghi âm máy bay.

Hôm 28/7, báo chí phương Tây dẫn lời phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Ukraine Andriy Lysenko rằng, kết quả phân tích hộp đen cho thấy máy bay đã rơi do “đột ngột giảm áp cực lớn” sau khi trúng nhiều mảnh đạn tên lửa. Ông Lysenko khẳng định, thông tin trên được các chuyên gia phân tích hộp đen MH17 cung cấp.

Theo tờ Mirror (Anh), các chuyên gia thuộc phòng thí nghiệm Farnborough chịu trách nhiệm phân tích hộp đen đã từ chối bình luận, nhưng xác nhận rằng, họ đã trình báo cáo ban đầu cho các nhà điều tra. Nga cho rằng, việc Ukraine tiết lộ thông tin về cuộc điều tra là vi phạm các công ước quốc tế.

Hôm qua, New York Times đưa tin, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tăng cường biện pháp trừng phạt Nga. Lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý đã thống nhất áp đặt các lệnh trừng phạt mới ngay trong tuần này.

Theo Le Monde, thêm 15 cá nhân và 18 tổ chức của Nga và Ukraine bị đưa vào danh sách đen lần này. Trong đó có nhiều quan chức cấp cao của Nga, như Giám đốc Cơ quan Tình báo Alexandre Bortnikov, cựu Thủ tướng Mikhail Fradkov, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patruchev…

Các biện pháp trừng phạt mới nhằm cắt đứt nguồn tài chính của các ngân hàng nhà nước Nga, cấm công dân EU mua cổ phiếu hoặc đầu tư vào các ngân hàng trên. Một số biện pháp trừng phạt khác đang được thảo luận, như cấm bán cho Nga vũ khí, công nghệ nhạy cảm trong lĩnh vực năng lượng, thiết bị sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân dụng… Hôm 29/7, Nga đe dọa hạn chế nhập khẩu hoa quả EU và thịt gà Mỹ.

Theo New York Times, Mỹ cáo buộc Nga thử một tên lửa hành trình, vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn cấm Nga sở hữu hoặc sản xuất tên lửa hành trình với tầm xa 500-5.500 km.

Đây là cáo buộc nghiêm trọng nhất về vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí mà Mỹ đưa ra đối với Nga, trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh (Mỹ cáo buộc Nga hỗ trợ quân ly khai ở Ukraine).

MỚI - NÓNG