Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt Nam – CHLB Đức

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt Nam – CHLB Đức
TPO - Đúng 11h ngày 27/11, Chuyên cơ chở Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân đáp xuống sân bay Nội bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm  cấp Nhà nước CHLB Đức (Từ 24-26/11).

Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ song phương, là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Đức kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975. Chuyến thăm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Đức là đối tác quan trọng hàng đầu, lâu dài, mong muốn thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. 

Các nhà lãnh đạo Đức bày tỏ coi trọng và đánh giá chuyến thăm là dấu mốc lịch sử, mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng trong quan hệ hai nước. Lãnh đạo Đức đón tiếp Chủ tịch nước ta trọng thị, thân tình với các nghi lễ cao nhất dành cho chuyến thăm cấp Nhà nước. 

Trong 3 ngày ở Đức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chương trình hoạt động hết sức phong phú: Tại Berlin, Chủ tịch nước hội đàm với Tổng thống, Thủ tướng Đức, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Đức, tiếp các Nghị sỹ hữu nghị ASEAN của Quốc hội Đức, trao đổi với chính giới và học giả Đức tại Viện Koerber;  gặp gỡ với những người bạn Đức đoàn kết, ủng hộ Việt Nam và với cộng đồng người Việt tại Đức. 

Tại bang Hessen, Chủ tịch nước đã có buổi làm việc với Thủ hiến bang, gặp với Chủ tịch Quốc hội bang và thăm trung tâm đào tạo nghề của tập đoàn sản xuất ô tô Opel. Chủ tịch nước cũng dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đức với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp hai nước và tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Đức, khẳng định chính sách và môi trường đầu tư thuận lợi mà Việt Nam dành cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài và tiềm năng hợp tác to lớn giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Tại các cuộc hội đàm, hai bên đã xác định những phương hướng và biện pháp cụ thể đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức trong thời gian tới, nhất là về hợp tác thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo. Nhiều cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng đã được thiết lập tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức tại Frankfurt, góp phần tạo xung lực mới, khơi thông dòng chảy giao thương giữa hai nước.

Đặc biệt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thể hiện vai trò chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Chính giới, học giả Đức đánh giá cao cuộc trao đổi với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Viện Koerber. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Môi trường hòa bình, an ninh châu Á - Thái Bình Dương đã và đang chuyển biến vô cùng sâu sắc. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. 

Tuy nhiên, châu Á - Thái Bình Dương cũng đang có một xu hướng đáng lo ngại làm gia tăng căng thẳng, nguy cơ xung đột và chiến tranh do các hành động thiếu trách nhiệm, không tôn trọng luật pháp quốc tế, không tuân thủ các quy tắc ứng xử và luật chơi chung của khu vực, vi phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của các nước khác. Những hành động đó cần phải bị lên án và cần phải có những biện pháp chế tài để ngăn chặn. 

“Hòa bình và phát triển là lợi ích chung của các nước trong khu vực; đi ngược lợi ích này là đẩy lùi lịch sử và trách nhiệm chúng ta không được để châu Á - Thái Bình Dương lặp lại lịch sử đau đớn của thế kỷ 20 - là “lò lửa” của các cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt. 

Do đó, Châu Á - Thái Bình Dương cần có một cấu trúc an ninh khu vực toàn diện và hiệu quả, được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của nhau; các nước ứng xử và hành động có trách nhiệm; giải quyết các bất đồng, các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982” - Chủ tịch nước phát biểu.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới CHLB Đức đã thành công tốt đẹp. Kết quả nổi bật của chuyến thăm là chúng ta đã củng cố và đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, mở ra một giai đoạn hợp tác mới trên các lĩnh vực thế mạnh của hai nước.

“Chủ tịch nước khẳng định duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là quan tâm và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực; các quốc gia cần nỗ lực, thể hiện trách nhiệm trong việc thực hiện mục tiêu chung này. 

Trong chuyến thăm, Tổng thống, Thủ tướng, chính giới và học giả Đức đã bày tỏ lo ngại về tình hình gia tăng các hoạt động tôn tạo bãi đá, gây bất ổn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông, chia sẻ và ủng hộ lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)” – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí sau chuyến thăm.


MỚI - NÓNG