Mổ xẻ hội chứng nghiện quyền lực từ cái chết của Caesar

Caesar có quyền lực tuyệt đối.
Caesar có quyền lực tuyệt đối.
Tác giả tiểu thuyết giật gân hàng đầu nước Anh, Robert Harris vừa ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết mới nhất “Dictator” (Nhà độc tài). Cuốn sách nhân vụ ám sát Caesar – người hùng của đế chế La Mã cổ đại – để bàn về chứng nghiện quyền lực nguy hiểm của ông cũng như nhiều lãnh đạo thế giới sau này. Theo tác giả Harris, Caesar và bối cảnh Rome cổ đại là một bài học thấm thía đối với ngày nay.

Ngã ngựa

Ngày 15-3 năm 44 trước Công nguyên. Thời tiết xấu kéo dài hàng tháng nay. Bầu trời sang mùa xuân ở Rome xám xịt, có vẻ sắp mưa. Khoảng 9 giờ sáng, vài trăm nguyên lão mặc áo choàng toga viền tím bắt đầu kéo vào khu vực họp thường lệ ở một ngôi đền lớn.

Các nô lệ lã chã mồ hôi khiêng một chiếc ngai vàng vào đặt ở phía trên của căn  phòng lớn. Một giờ trôi qua mà không có gì diễn ra. Các nguyên lão ngồi trên ghế trong phòng ngày càng trở nên sốt ruột, bồn chồn. Rồi đám nô lệ lại xuất hiện và khiêng chiếc ngai vàng đi. Các nguyên lão rền rĩ bực tức và thất vọng.

Bên ngoài phòng họp, một nhóm quan tòa đứng túm tụm cạnh nhau chờ đợi. Một người là Marcus Decimus Brutus quyết định tìm hiểu xem tại sao buổi họp bị hủy. Một giờ nữa trôi qua. Cuối cùng, ngai vàng lại được khiêng vào ngôi đền và  mọi người đoán Gaius Julius Caesar đang trên đường tới.

Sự kiện xảy ra ngày hôm đó là một trong những bí mật lớn nhất lịch sử. Tại sao Caesar, dù cảm nhận được mối nguy hiểm chết người đang chờ đợi mình, lại quyết định đổi ý và tham dự cuộc họp tại Viện nguyên lão vào phút chót?

Theo tác giả Harris, nguyên nhân nằm ở “hội chứng hubris”, một hội chứng mà người mắc thường là những lãnh đạo quyền lực với biểu hiện tự kiêu, tự tin thái quá. Nhiều nhà lãnh đạo thành công đều mắc hội chứng hubris và đối với Caesar, hội chứng này đặc biệt nghiêm trọng. Có quyền lực tuyệt đối sau khi giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, từng tự tuyên bố mình là chúa, Caesar không còn cảm thấy mình bị ràng buộc bởi các quy tắc hợp lý thông thường nữa.

Caesar đến cuộc họp trên chiếc kiệu vàng ngay sau 11 giờ. Ông mặc bộ áo choàng toga màu tím trang trí bằng vàng mà chỉ duy nhất mình ông được mặc. Ngay khi Caesar bước qua ngưỡng cửa của Viện nguyên lão, Decimus Brutus tiến lên cầm tay dẫn ông tiến tới ngai vàng. Điều ngạc nhiên là Caesar không có vệ sĩ và các đấu sĩ của Decimus đang đứng chặn lối thoát duy nhất sau Caesar. Khi Caesar tiến lên bục, lấy cây bút trâm dùng để viết lên bài vị bằng sáp và quay xuống phía các nguyên lão, một số người đứng dậy để tới gần nộp cho ông đơn kiến nghị.

Người đầu tiên tiếp cận Caesar là Tullius Cimber – người có anh trai từng bị Caesar cho đi lưu đày. Thay vì nâng gấu áo choàng toga của Caesar để hôn, ông đột ngột túm nếp gấp áo quanh cổ Caesar và kéo mạnh đến mức Caesar bị lôi về một bên. Ngay sau đó, một nguyên lão khác là Publius Casca kề dao vào cổ Caesar.

Caesar đã 55 tuổi nhưng vẫn còn khỏe. Ông vung cây bút trâm và đâm vào cánh tay Casca. Casca gọi anh trai Gaius giúp. Người này bước lên và đâm Caesar vào mạng sườn. Caesar gục xuống. Hơn 20 nguyên lão vây quanh ông. Họ đâm chém lia lịa đến mức hai trong số những người đâm Caesar đã làm nhau bị thương. Hàng trăm nguyên lão còn lại ngồi chứng kiến trong sự sửng sốt. Một vài người đứng dậy xem chuyện gì xảy ra. Có những người từng được Caesar nâng đỡ nhưng không ai đến giúp ông. Khám nghiệm tử thi sau khi Caesar chết, các bác sĩ đếm được 23 vết đâm trên cơ thể.

Mổ xẻ hội chứng nghiện quyền lực từ cái chết của Caesar ảnh 1 Tác giả Robert Harris.

Hội chứng hubris

Cuốn tiểu thuyết “Dictator” mô tả quá trình vươn tới quyền lực tuyệt đối của Caesar thông qua con mắt của một nô lệ thuộc phe đối địch chính trị với ông là triết gia lỗi lạc Marcus Tullius Cicero. Câu chuyện chứng minh một điều rằng những điều cơ bản của chính trị - tìm kiếm quyền lực, lạm dụng quyền lực, thất thế - hầu như không thay đổi suốt hơn hai thiên niên kỷ qua.

Ngay cả đối thủ của Caesar cũng phải thừa nhận ông là một vị tướng kiệt xuất – người đã chinh phục Pháp, Đức và Anh, đánh tan nhiều đội quân hùng mạnh và những nước giàu có. Ông chinh phục bằng diệt chủng, bằng những cuộc thanh trừng sắc tộc hàng trăm nghìn người và bằng sự kinh hoàng. Ông từng tuyên bố mình quét sạch 300.000 người chỉ trong một chiến dịch. Khi người lính Pháp cuối cùng đầu hàng, ông đã ra lệnh chặt cả hai bàn tay của toàn bộ 3.000 người, sau đó thả họ đi. Tất cả để cho thiên hạ thấy nếu chống lại ông sẽ gặp điều gì.

Trở lại với thành Rome trước đó, khi Viện nguyên lão do Pompey đứng đầu ngày càng bất an trước quyền lực vô song của Caesar, Pompey cho Caesar lệnh từ chức chỉ huy quân đội vào cuối nhiệm kỳ, trở lại thành phố và không được mang theo quân. Phản ứng của Caesar là trở về Rome với cả đội quân, vượt sông Rubicon ở phía bắc Italia – một hành động được coi là lời tuyên chiến. Ông đã tàn sát lực lượng nguyên lão của Pompey Vĩ đại.

Caesar tự gọi mình là Độc tài Vĩnh cửu, coi mình là người có quyền lực chưa từng có tiền lệ và là người chấm dứt chế độ cộng hòa dân chủ của Rome vốn tồn tại suốt 500 năm. Có nhiều bằng chứng cho thấy Caesar định lập mình thành vua.

Cái chết của ông đã đi vào lịch sử, được coi là cực đỉnh của một vụ phản bội chính trị, trong đó thủ phạm là những người được nạn nhân nâng đỡ, cất nhắc. Sự nghiệp của Caesar nghiệm đúng với một câu nói nổi tiếng của chính trị gia người Anh Enoch Powell rằng mọi cuộc đời chính trị đều kết thúc trong thất bại (trừ khi biết dừng lại giữa dòng và đúng thời điểm) vì đó là bản chất của chính trị và con người.

Giống như Napoleon và Hitler, Caesar thể hiện rất nhiều đặc điểm mà thời nay người ta coi đó là psychopath (người thần kinh không ổn định): quá thông minh, hấp dẫn, tự coi mình có tầm quan trọng độc nhất vô nhị và không thể gục ngã, thờ ơ với nỗi thống khổ của người khác, sẵn sàng mạo hiểm và gây tổn thương cho người khác ở bất kỳ mức độ nào để theo đuổi quyền lực. Sự kiêu căng, ngạo mạn này chỉ có thể có một cái kết là thảm họa. Những người mắc chứng hoang tưởng tự đại không bao giờ biết điểm dừng.

Caesar có lẽ may mắn khi chết lúc đang ở cực đỉnh sự nghiệp. Đã có lời bàn rằng nếu như Napoleon bị hạ gục năm 1811 hay Hitler bị giết ngay sau khi Pháp thất thủ năm 1940, nghĩa là đúng lúc đế chế họ dựng lên đang ở đỉnh trào, thì cái kết của họ có lẽ sẽ tốt hơn nhiều? Thế giới có một số lãnh đạo giữ được hình ảnh đẹp nhờ cái chết bất thình lình.

 Với Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, viên đạn của kẻ sát nhân đã đóng băng mãi mãi hình ảnh của ông khi đang ở đỉnh cao danh vọng: người chiến thắng trong cuộc nội chiến Mỹ. Nếu ông còn sống thêm, chiến thắng của ông sẽ không trọn vẹn khi công cuộc tái thiết miền Nam nước Mỹ đã phơi bày sự thật là nô lệ không được hưởng tự do theo đúng nghĩa. Hay như Tổng thống John F. Kennedy, ông bị ám sát chỉ vài tháng trước khi vấn đề liên quan đến chiến tranh Việt Nam và vụ bê bối ngoại tình bị vỡ lở. Hai việc này có thể nhấn chìm Tổng thống Kennedy.

Marcus Tullius Cicero đã viết những dòng cảm động về số phận của Pompey Vĩ đại – người quyền lực hơn Caesar trong nhiều năm. Năm 50 trước Công nguyên, vào đêm trước khi xảy ra nội chiến do hành động vượt sông Rubicon của Caesar gây ra, Pompey đã ngã bệnh nặng ở Naples nhưng sau đó hồi phục.

Cicero viết trong một bài chuyên luận triết học của mình: “Nếu ông chết lúc đó, ông sẽ bỏ lại những điều tốt hay điều xấu? Chắc chắn là những điều kinh khủng. Vì ông sẽ không phải gây chiến với bố vợ (tức là Caesar), ông sẽ không phải rời bỏ nhà, không phải chạy khỏi Italia và sau khi mất quân, ông sẽ không phải chết dưới lưỡi gươm và bàn tay nô lệ của mình. Các con ông sẽ không phải khóc lóc đến lả người, tài sản của ông sẽ không thuộc về những người chinh phục. Nếu ông qua đời vào lúc đó, ông đã chết khi còn có đầy đủ gia sản. Chỉ vì ông sống lâu hơn mà ông đã phải chịu đựng biết bao tai ương to lớn và không thể tin nổi”.

Triết gia Cicero cho rằng tham vọng chính là thứ ngăn người ta không nhận ra giới hạn của mình, rằng tham vọng là tự hủy diệt và cuối cùng cũng chỉ là bi kịch: “Giá như Caesar nhìn thấy trước rằng ở Viện nguyên lão nơi có phần lớn nguyên lão do đích thân ông chọn, ông sẽ bị những công dân đáng kính nhất giết chết, trong đó có những người mà tất cả những gì họ có đều nhờ ông; giá ông nhận ra rằng ông sẽ ngã xuống mà không có một người bạn nào, thậm chí một nô lệ nào đến bên ông”. Cicero so sánh quan hệ của một chính khách và quốc gia giống như quan hệ của một bác sĩ và bệnh nhân hay thuyền trưởng và con tàu. Ông kết luận: “Caesar chưa từng một lần nhìn nhận mình theo cách đó”.

Chính trị hiện đại rõ ràng là ít bạo lực hơn Rome cổ đại nhưng những nguyên tắc cơ bản của quyền lực, tham vọng vẫn không đổi. Cũng giống như Rome thời đó, ở thời nay, chính những sức mạnh đã đưa một cá nhân lên cực điểm sự nghiệp chính trị sẽ chính là những thứ khiến họ bị mờ mắt, không nhận ra những sai lầm, không nhận ra thời điểm để rút lui. Hậu quả là dù không bị ám sát như thời cổ đại, họ sẽ phải về hưu trong sự bẽ bàng.

Tác giả đã lấy một vài ví dụ với nước Anh hiện đại. Với Thủ tướng Margaret Thatcher, nếu bà dừng lại ngay sau khi chiến thắng nhiệm kỳ ba năm 1987, thay vì cam kết tiếp tục “tiến lên mãi”, bà đã tránh được thảm họa chính trị tồi tệ: bạo động tràn lan khắp nước Anh phản đối chính sách thuế do chính phủ của bà đưa ra. Nếu bà dừng lại trước đó, bà đã không phải trải qua cay đắng của tuổi già khi gặm nhấm sự “bội bạc của những đồng nghiệp tươi cười” đã hất cẳng bà.

Với Thủ tướng Tony Blair, nếu ông thực hiện thỏa thuận trước bầu cử để trao quyền cho ông Gordon Brown và từ chức khi hết nhiệm kỳ hai, ngày nay ông sẽ được nhớ tới với tư cách là một lãnh đạo cứu vớt Công đảng và giành chiến thắng hai nhiệm kỳ vang dội. Thay vào đó, cái tên Tony Blair chỉ được nhắc tới trong đảng dưới dạng lời xúc phạm và ông đang lo lắng cho kết quả cuộc điều tra về vai trò của ông trong cuộc chiến Iraq.

Theo Theo An ninh Thế giới
MỚI - NÓNG