Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Libya vì dầu mỏ

Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Libya vì dầu mỏ
TP - Ngày 16/5, Chính quyền của Tổng thống Mỹ George W. Bush đã khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Libya sau 26 năm gián đoạn.

Các quan chức Mỹ bày tỏ hy vọng việc nối lại quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Washington DC với Tripoli sẽ là hình mẫu để cho các nước khác đang có quan hệ căng thẳng với Mỹ về hạt nhân noi theo.

Ngoài việc nối lại quan hệ ngoại giao đầy đủ với Libya, Mỹ còn đưa Tripoli ra khỏi danh sách các nước bị Mỹ gán cho là quốc gia ủng hộ khủng bố.

Quan hệ giữa Mỹ và Libya bắt đầu được cải thiện mạnh mẽ cách đây 3 năm khi chính quyền của Tổng thống Ghadafi tự nguyện từ bỏ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân, chấp nhận bồi thường cho các gia đình 270 nạn nhân vụ đánh bom trên máy bay của hãng hàng không Mỹ Pan Am năm 1988.

Mỹ cho rằng thủ phạm vụ đánh bom máy bay hành khách Pan Am là hai nhân viên tình báo Libya, vì thế Chính phủ nước này phải bồi thường thiệt hại cho hãng hàng không Pan Am và gia đình các nạn nhân.

Năm 1999, phía Libya chủ động cải thiện quan hệ với Mỹ, đồng ý giao nộp 2 người bị Mỹ tình nghi là thủ phạm đánh bom máy bay Pan Am cho một tòa án ở Scotland, nơi chiếc máy bay bị rơi.

Năm 2003, Libya đồng ý  bồi thường tổng cộng 2,7 tỷ USD cho các gia đình nạn nhân vụ máy bay rơi, mở đường cho việc phá vỡ bế tắc trong quan hệ giữa hai nước. 

Mỹ đóng cửa Đại sứ quán của mình tại Tripoli năm 1980 sau hàng loạt sự kiện khiến Mỹ dán cho Tổng thống Libya Moammar Ghadhafi nhãn mác “một trong những người nguy hiểm nhất ở Trung Đông” vì đã nuôi dưỡng khủng bố.

Ngày 15/4/1986, Tổng thống Mỹ lúc đó là Ronald Reagan ra lệnh cho máy bay Mỹ ném bom các thành phố Tripoli và các căn cứ quân sự của Libya.

Các trận ném bom này làm hơn 100 người chết, chủ yếu là dân thường trong đó có cả con gái nuôi của Đại tá Ghadahfi. Đây được xem là 2 nguyên nhân chính khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị cắt đứt hoàn toàn trong 26 năm qua.

Nhưng việc Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao đầy đủ với Libya lần này lại bắt nguồn từ một nguyên nhân khác: Dầu mỏ. Libya là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 10 trên thế giới nhưng ngành công nghiệp khai thác và lọc dầu ở nước này còn lạc hậu.

Để chiếm lấy quyền khai thác các mỏ dầu Libya, năm 2004 Mỹ dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Tripoli. Nhờ đó, hàng chục Cty dầu mỏ Hoa Kỳ năm 2005 đã ào ạt kéo vào nước châu Phi này, nhanh chóng giữ những phần béo bở nhất trong các dự án khai thác và lọc dầu.

Do cuộc chiến tranh của Mỹ ở Irắc, việc cung cấp dầu mỏ và khí đốt trên thế giới bị thâm hụt lớn khiến giá dầu mỏ không ngừng leo thang. Vốn là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, Mỹ cần phải tìm kiếm nguồn cung cấp mới. Đây mới là nguyên nhân đích thực thúc đẩy Mỹ bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Libya.

Các nguyên nhân khác như việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, việc bồi thường cho các nạn nhân máy bay hãng Pan Am của Libya tuy cũng có sức nặng nhất định lúc này bị coi là thứ yếu hay chỉ là những điều kiện mà thôi.

Việc lựa chọn thời điểm để bình thường hóa quan hệ Mỹ-Libya cũng đáng chú ý. Mấy ngày qua, dư luận Mỹ chỉ trích nặng lời đối với chính sách ngoại giao của Tổng thống Bush với Iran, Irắc, CHDCND Triều Tiên, Trung Đông, Venezuela, Cuba và Bolivia.

Việc bình thường hóa quan hệ với Libya lúc này sẽ được coi như một ví dụ về thắng lợi ngoại giao của Chính quyền Bush. Nhờ đó mà có thể làm dịu đi những lời chỉ trích của dư luận đối với Nhà Trắng.

MỚI - NÓNG