Mỹ bối rối xử lý sự cố đốt kinh Koran

Ngày 24-2, cảnh sát chống bạo động và binh lính đứng gác ở Kabul và nhiều thành phố khác ở Afghanistan để phòng chống biểu tình bạo lực Ảnh: Mohammad Ismail
Ngày 24-2, cảnh sát chống bạo động và binh lính đứng gác ở Kabul và nhiều thành phố khác ở Afghanistan để phòng chống biểu tình bạo lực Ảnh: Mohammad Ismail
TP - Sau ngày thứ tư biểu tình đẫm máu ở Afghanistan để phản đối hành động đốt kinh Koran, hình ảnh quân đội Mỹ ở nước ngoài lại thêm một lần khủng hoảng, còn quan chức Mỹ vẫn chưa biết cách nào để xoa dịu tình hình.

> Tổng thống Mỹ lên tiếng xin lỗi vụ đốt kinh Koran

Ngày 24-2, thêm ít nhất 12 người biểu tình ở thủ đô Kabul và một số thành phố khác của Afghanistan bị bắn chết. Hôm 23-2, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng xin lỗi về hành vi đốt cuốn kinh Koran trong một căn cứ quân sự của Mỹ ở Afghanistan.

Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanistan hứa sẽ đào tạo binh lính về cách cư xử đúng mực với tài liệu tôn giáo, cũng như sẽ nhanh chóng điều tra. Nhưng các nhà phân tích cho rằng phía Mỹ không thể làm gì thêm để làm dịu cơn thịnh nộ của người Aghanistan khi cuốn sách linh thiêng mà họ tôn thờ bị sỉ nhục.

“Mỹ đã làm nhiều điều có thể. Ở mức độ nào đó, tất cả những gì Mỹ có thể làm bây giờ là đợi cho cơn giận dữ dịu lại”, Lisa Curtis, chuyên gia cao cấp của Quỹ Di sản, nhận định.

Lực lượng Taliban thúc giục người Afghanistan tấn công các căn cứ quân sự nước ngoài và giết người phương Tây để trả đũa. Hôm 23-2, một người đàn ông mặc đồng phục của quân đội Afghanistan bắn vào 2 lính Mỹ. NATO từ chối xác nhận trường hợp này có dính dáng tới các cuộc biểu tình hay không.

Văn phòng của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai nói rằng họ muốn NATO xét xử công khai những người phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, quân nhân Mỹ thường được che chở khỏi bị truy tố ở nước ngoài, và một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng binh lính Mỹ khó có thể bị khép tội bởi một hệ thống tư pháp nước ngoài.

Nhiều lần mất mặt

Đốt kinh Koran là vụ việc gần nhất làm xấu hình ảnh của Mỹ ở Afghanistan. Hồi đầu tháng, Lầu Năm Góc cũng chật vật đối phó sự cố ảnh chụp một số lính thủy của Mỹ chụp cùng lá cờ trông như cờ của Đức quốc xã. Hồi tháng 1, video quay một số lính Mỹ tè lên thi thể phiến quân Taliban xuất hiện trên mạng.

Chính phủ Afghanisan nổi giận đùng đùng sau khi lực lượng do NATO đứng đầu mới đây giết hại 8 người Afghanistan trẻ tuổi trong một trận không kích, còn báo cáo của Liên Hợp Quốc nói rằng có nhiều trường hợp giết hại dân thường trong cuộc chiến kéo dài cả thập kỷ ở nước này.

Nhưng có lẽ sự cố gây tổn hại hình ảnh của Mỹ nhất xảy ra ở biên giới Pakistan hồi tháng 11-2012, khi lực lượng Mỹ đóng quân ở Afghanistan giết hại 22 binh lính Pakistan. Sự việc này khiến Islamabad chặn đứng những con đường tiếp tế nhu yếu phẩm qua đường bộ vào Afghanistan.

Scandal lần này không phải là vụ đầu tiên dính dáng việc đốt kinh Koran. Người tiền nhiệm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta là Robert Gates từng phải dùng tư cách cá nhân để thuyết phục một mục sư ở bang Florida từ bỏ kế hoạch đốt kinh Koran năm 2010.

Tuy nhiên, hồi tháng 4 năm ngoái, vị mục sư vẫn thực hiện kế hoạch đốt kinh Koran ở Florida, châm ngòi cho chuỗi ngày biểu tình ở Afghanistan, khiến khoảng hai chục người bị giết, trong đó có 7 nhân viên của Liên Hợp Quốc.

Những sự cố này tạo thêm thách thức của quân đội Mỹ ở Afghanistan, khi các sĩ quan chỉ huy đang nỗ lực ổn định tình hình, trước khi thực hiện kế hoạch rút hầu hết lực lượng chiến đấu của Mỹ vào cuối năm 2014.

Theo các nhà phân tích, Washington đang nỗ lực đàm phán một thỏa thuận an ninh với Afghanistan để quản lý sự hiện diện của quân đội Mỹ sau ngày rút quân và thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình ít có khả năng thành công với Taliban.

Gia Tùng
theo Reuters, BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG