Mỹ - Cuba tiến bước lịch sử, khép lại Chiến tranh lạnh

Giáo viên và học sinh Cuba vui mừng sau khi biết tin Cuba và Mỹ khôi phục quan hệ . Ảnh: AP.
Giáo viên và học sinh Cuba vui mừng sau khi biết tin Cuba và Mỹ khôi phục quan hệ . Ảnh: AP.
TP - Ngày 17/12 trở thành dấu mốc lịch sử trong quan hệ hơn nửa thế kỷ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ, khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng công bố quyết định khôi phục đầy đủ quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Chủ tịch Raul Castro thông báo với nhân dân cả nước, quyết định trên là kết quả của một loạt cuộc đàm phán bí mật ở cấp cao, trong đó có cuộc điện đàm trực tiếp kéo dài 45 phút giữa ông và Tổng thống Barack Obama, cùng với sự trung gian của Tòa thánh Vatican và Giáo hoàng Francis. Đây là sự kiện được nhân dân hai nước Cuba và Mỹ, cũng như cộng đồng quốc tế mong đợi từ rất lâu.

Theo New York Times, Tổng thống Obama ra lệnh khôi phục đầy đủ quan hệ ngoại giao với Cuba và mở đại sứ quán Mỹ tại Havana lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ. Ông cam kết “phá bỏ xiềng xích của quá khứ” và gạt sang một bên tàn tích cuối cùng thời Chiến tranh lạnh. Ông Obama cũng thừa nhận các chính sách trừng phạt, bao vây, cấm vận chống Cuba đã lỗi thời và tại nhiều thời điểm, chính nước Mỹ lại bị cô lập ở khu vực và quốc tế vì mối quan hệ với Cuba khiến khả năng tạo ảnh hưởng của Washington bị hạn chế. 

Sau khi nhà lãnh đạo Fidel Castro giành chính quyền tại Cuba năm 1959, Mỹ coi Cuba là tiền đồn địa chính trị của Liên Xô trong cuộc chiến quyền lực và ý thức hệ giữa hai hệ thống tư bản và xã hội chủ nghĩa. Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower áp đặt lệnh cấm vận đầu tiên đối với Cuba vào năm 1960 và cắt đứt quan hệ ngoại giao từ tháng 1/1961, vài tuần trước khi ông rời Nhà Trắng và 7 tháng trước khi Tổng thống Barack Obama chào đời.

Báo Washington Post đánh giá Cuba và Mỹ đã có quyết định lịch sử gỡ bỏ quan điểm Chiến tranh lạnh. Đây chính là thời điểm chín muồi để Mỹ thay đổi cách tiếp cận khác. Những cuộc đàm phán bí mật kéo dài suốt 18 tháng đã chấm dứt sự thù địch và hiểu lầm hàng chục năm qua giữa hai quốc gia láng giềng. Ông Obama tuyên bố, sự kiện này sẽ “bắt đầu một chương mới của các quốc gia châu Mỹ”. 


Quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao cũng cho thấy cả Cuba và Mỹ đã sẵn sàng cho một mối quan hệ cùng chung sống trên cơ sở tôn trọng những khác biệt và quyết tâm giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại và đàm phán.

Sẽ dỡ bỏ cấm vận

Để bày tỏ thiện chí, Cuba đã đồng ý thả Alan Gross, điệp viên làm việc cho chính phủ Mỹ bị kết án tù tại Cuba, trong khi Washington trả tự do cho 3 tình báo viên Cuba bị giam giữ tại các nhà tù ở Mỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Raul Castro nhấn mạnh rằng, điều này không có nghĩa là vấn đề chính đã được giải quyết. 

“Cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính gây những thiệt hại khổng lồ về con người và kinh tế đối với đất nước chúng ta phải được dỡ bỏ. Những tiến bộ đạt được trong việc trao đổi chứng tỏ rằng có khả năng tìm thấy giải pháp cho nhiều vấn đề”, ông nói.

Nhà lãnh đạo Cuba đề xuất hai bên cùng đưa ra các biện pháp cải thiện tình hình và hướng tới việc bình thường hóa quan hệ song phương trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. 

Ông cũng kêu gọi chính phủ Mỹ sớm dỡ bỏ những rào cản đối với mối liên kết giữa nhân dân hai nước. Dù đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình dài trước mắt, song sự kiện này là bước ngoặt lịch sử để Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh bao vây, cấm vận kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ chống Cuba.

Ông Obama cho biết sẽ sớm tìm cách dỡ bỏ chính sách bao vây, cấm vận đã lỗi thời, xúc tiến các cuộc đối thoại để chuẩn bị cho tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Tổng thống Mỹ chỉ đạo Ngoại trưởng  John Kerry xem xét đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố.

 Ông cũng phái một trợ lý ngoại trưởng tới Havana vào tháng 1/2015 để đàm phán vấn đề nhập cư, trong khi Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker dẫn đầu đoàn đàm phán về thương mại. Mỹ quyết định điều chỉnh chính sách đi lại giữa hai nước, dỡ bỏ hạn chế du lịch thăm gia đình, các hoạt động giáo dục và tôn giáo, biểu diễn nghệ thuật, nới lỏng quy định về kiều hối, cho phép xuất nhập khẩu một số loại hàng hóa và dịch vụ với Cuba, tạo thuận lợi cho việc thực hiện một số giao dịch tài chính.

Các nhà phân tích cho rằng, sự kiện Cuba và Mỹ quyết định tái lập quan hệ ngoại giao là minh chứng về quyết tâm đối thoại của chính phủ hai nước, song đây mới chỉ là sự khởi đầu của chặng đường rất dài phía trước, bởi hai bên vẫn còn rất nhiều khác biệt.

Việt Nam hoan nghênh Mỹ - Cuba nối lại quan hệ ngoại giao

Ngày 18/12, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói với báo giới: “Việt Nam hoan nghênh việc Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau 53 năm gián đoạn. 

Việt Nam tin tưởng rằng, các tuyên bố mang tính lịch sử này là bước khởi đầu cho việc tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân Cuba và Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác tại châu Mỹ và trên thế giới”.     

Bình Giang

MỚI - NÓNG