Mỹ đau đầu trong vấn đề Syria

Mỹ đau đầu trong vấn đề Syria
TP - Hai năm đã trôi qua, cuộc chiến ở Syria đang tiến gần đến cực điểm trong bối cảnh Cộng đồng quốc tế ngày càng nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề gai góc này.

> Nga đưa biệt đội tàu chiến hùng hậu đến sát Syria
> Nga - Mỹ chia rẽ lớn trong vấn đề Syria

Chiến sự ác liệt ở Syria
Chiến sự ác liệt ở Syria.

Cho tới nay vẫn không thấy bóng dáng một giải pháp có thể chấp nhận được. Không chỉ Nga mà Mỹ cũng đau đầu trước những diễn biến phức tạp gần đây tại Syria.

Lo ngại Mặt trận Al-Nustra

Washington kinh hoàng khi nhận thấy những đơn vị thiện chiến nhất của phe đối lập Syria hiện đang chiến đấu dưới sự chỉ đạo của các phần tử quen biết cũ thuộc lực lượng Al Qaeda ở Iraq. Tuy lực lượng này đã đổi tên thành Mặt trận Al-Nustra nhưng bản chất không thay đổi.

Tại Mỹ, tổ chức vừa của Syria, vừa của Iraq này lập tức bị dán cho nhãn hiệu “tổ chức khủng bố” kèm theo những lời buộc tội gay gắt nhất. Nhưng những lời buộc tội gay gắt của Mỹ lại gây ra hiệu quả ngược lại.

Uy tín của Mặt trận Al-Nustra tăng vọt và ở các thành phố lớn của Syria như Aleppo và Homs mới đây đã diễn ra những cuộc mít tinh có hàng vạn người tham gia dưới khẩu hiệu “Đả đảo Mỹ!” bên cạnh khẩu hiệu “Đả đảo Assad!”.

Khẩu hiệu thứ 2 (“Đả đảo Assad!”) chắc chắn khiến Mỹ phấn chấn bởi vì giờ đây Mỹ đã tìm thấy bên trong Syria một đồng minh hùng mạnh cũng theo đuổi mục đích chung là lật đổ ông Assad.

Nhưng khẩu hiệu thứ nhất (“Đả đảo Mỹ”) hiển nhiên khiến Mỹ bối rối, một số báo Mỹ thậm chí còn đặt câu hỏi: Việc Mỹ tuyên bố Mặt trận Al-Nustra là “tổ chức khủng bố” liệu có vội vã quá không?

Vị thế ngày càng tăng của Mặt trận Al-Nustra tại Syria càng khiến Mỹ lo ngại trước khả năng những khẩu tên lửa phòng không xách tay và đặc biệt là vũ khí hóa học ở Syria có thể rơi vào “những bàn tay không đáng tin cậy”.

Hiện nay, lực lượng nổi dậy Syria đã có một số tên lửa xách tay và một vài hợp phần của vũ khí hoá học. Nhưng nếu họ thật sự làm chủ được những loại vũ khí đáng sợ này, Mỹ sẽ lâm vào tình thế khó xử. Khi ấy, lực lượng vũ trang đối lập Syria rất có thể sẽ trở thành “kẻ thù” của Mỹ hệt như Chính quyền Assad hiện nay.

Cuộc chiến có thể lan ra khắp khu vực

Nhưng nỗi đau đầu của Mỹ không chỉ có thế. Một trong những mục tiêu quan trọng mà Mỹ theo đuổi là không cho chiến sự ở Syria lan sang các nước láng giềng. Lebanon và Iraq chưa thật sự ổn định. Israel cho tới nay vẫn trong tình trạng chiến tranh với Syria. Jordania đang lúng túng trong vô số vấn đề nội bộ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy. Nhưng gần đây đã xẩy ra điều Mỹ lo ngại hơn hết: Chiến sự Syria bắt đầu lan rộng, đặc biệt là theo hướng Lebanon và Iraq.

Mỹ lo ngại vũ khí hóa học ở Syria có thể rơi vào “những bàn tay không đáng tin cậy”
Mỹ lo ngại vũ khí hóa học ở Syria có thể rơi vào “những bàn tay không đáng tin cậy”.

Nguy cơ lực lượng vũ trang nổi dậy Syria sở hữu những loại vũ khí khủng khiếp cũng như nguy cơ cuộc chiến Syria lan rộng sang các nước xung quanh đã bắt đầu có những đường nét cụ thể. Điều này khiến Mỹ và Phương Tây tỏ ra ngày càng lúng túng trong việc giải quyết vấn đề Syria.

Phe nổi dậy Syria đã chính thức tuyên bố phong trào du kích “Hezbollah” của Lebanon là kẻ thù và đe doạ sắp tới đây sẽ đưa chiến tranh sang lãnh thổ Lebanon.

Quan hệ với Iraq còn xấu hơn nữa. Lúc đầu, quân đội Chính phủ Syria phóng vài quả tên lửa đạn đạo “Grad” sang lãnh thổ Iraq rồi một số binh lính Chính phủ Syria vượt biên giới tiến vào Iraq.

Tiếp đó, quân nổi dậy Syria cũng xâm nhập vào Iraq và tiêu diệt vài chục binh lính không chỉ của quân Chính phủ Syria mà cả binh lính Iraq. Trước tình hình đó, câu hỏi đặt ra là liệu Lebanon và Iraq còn đủ kiên nhẫn đứng ngoài cuiộc chiến ở Syria hay không?

Biến cố vừa xẩy ra tại vùng phi quân sự trên cao nguyên Golan giữa Israel và Syria còn đáng báo động hơn. Tại đây, quân nổi dậy Syria đã táo tợn bắt giữ làm con tin 21 binh sĩ Philippines trong lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ.

Theo giải thích của quân nổi dậy, họ làm như vậy là để lực lượng mũ nồi xanh không ngăn trở họ thực hiện những cuộc giao chiến quyết liệt với quân đội Chính phủ tại khu vực này. Tuy các binh sĩ mũ nồi xanh đã được trả tự do nhưng vẫn để lại hậu quả bởi vì cao nguyên Golan là khu vực nhạy cảm giữa Syria và Israel.

Phía Israel tuyên bố sẽ không khoanh tay ngồi nhìn những biến cố xẩy ra ở Syria nếu những biến cố đó đe dọa an ninh của Nhà nước Do Thái. Không rõ lời đe dọa của Israel nhằm vào ai bởi vì cả lực lượng Chính phủ lẫn lực lượng nổi dậy ở Syria đều không ưa gì Israel.

 Ngọc Thoa
Theo Gazeta.ru

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.