Mỹ, EU đồng loạt lên tiếng hỗ trợ Nepal sau thảm họa động đất

Mỹ, EU đồng loạt lên tiếng hỗ trợ Nepal sau thảm họa động đất
TPO - Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia cùng các tổ chức cứu trợ quốc tế đã đồng loạt lên tiếng và cam kết hỗ trợ cho các nạn nhân vụ động đất kinh hoàng ở Nepal hôm 25/4 khiến hơn 1.000 người ở Nepal thiệt mạng, khoảng 1.700 người bị thương.

Theo đó, Mỹ đã gửi một nhóm cứu trợ và một khoản viện trợ ban đầu 1,3 triệu USD để giải quyết nhu cầu trước mắt, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ cho biết.  "Hoa Kỳ sẽ đồng hành với chính phủ Nepal trong thời gian khó khăn này.", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói. 

Ông John Kerry cũng cho biết Mỹ cũng đã liên hệ chặt chẽ với chính quyền Nepal để có những thông tin cần thiết và viện trợ kịp thời.

Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu cho biết các chuyên gia nhân đạo của mình đang trên đường tới các khu vực thiệt hại nặng nề. 

Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã gửi đi những thông điệp chia buồn sâu sắc và cam kết viện trợ cho Nepal như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angle Merkel và tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo thông tin từ văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel, chính phủ Đức đã sẵn sàng để hỗ trợ các nạn nhân động đất ở Nepal. Anh và Tây Ban Nha cũng đã cam kết hỗ trợ và giúp đỡ. Na Uy hứa hẹn sẽ cung cấp 30 triệu krone (tương đương 5,1 triệu USD) viện trợ nhân đạo cho Nepal.

Israel cũng cho biết họ đã gửi một phái đoàn viện trợ bao gồm một đội ngũ y tá và bác sĩ đến Nepal.

Khó tiếp cận với các khu vực thiệt hại 

"Nhiều con đường bị phá hủy hoặc bị ách tắc bởi lở đất khiến việc tiếp cận các nạn nhân của tổ chức cứu trợ Hội chữ thập đỏ gặp nhiều khó khăn", ông Jagan Chapagain,Trưởng đại diện của Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết. 

Rất nhiều tổ chức cứu trợ khác cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự, do vậy việc đánh giá mức độ thiệt hại và nhu cầu viện trợ cho các nạn nhân cũng chưa thể thực hiện được.

"Thông tin liên lạc hiện là không thể bởi đường dây điện thoại đã hỏng, điện bị cắt", bà Cecillia Kezer, Giám đốc quốc gia của tổ chức Oxfam ở Nepal cho biết.

Tổ chức cứu trợ Pháp Action Against Hunger (ACF) cho biết đội cứu trợ của họ cũng đang trên đường tới các khu vực bị ảnh hưởng để đánh giá thiệt hại, nhu cầu và cũng gặp rất nhiều khó khăn về giao thông.

Tổ chức từ thiện Christian Aid cũng cho biết họ cũng đang cố gắng để tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất.

Hiện vẫn chưa biết chính xác quy mô thiệt hại "nhưng đây có thể là một thảm họa động đất kinh khủng nhất kể từ vụ động đất ở quốc gia này vào năm 1934 khiến gần 11 ngàn người thiệt mạng", ông Jagan Chapagain khẳng định.

Theo Theo Strait Times
MỚI - NÓNG