Mỹ: Nợ ngập đầu, sinh viên lên mạng tìm 'bố nuôi'

Ảnh minh họa mối quan hệ giữa phụ nữ trẻ và “bố nuôi”. Ảnh: Getty Images
Ảnh minh họa mối quan hệ giữa phụ nữ trẻ và “bố nuôi”. Ảnh: Getty Images
TP - Nữ sinh viên Candice Kashani sắp tốt nghiệp trường luật mà không mắc nợ đồng nào, nhờ công nghệ hiện đại hỗ trợ một kiểu quan hệ được gọi hài hước là “nuôi để thịt”.

Trong năm thứ nhất, Kashani phải trả học phí và chi phí sinh hoạt lên đến gần 50.000 USD, ngay cả khi có học bổng. Vì thế, cô gái này quyết định tìm hiểu trên một trang web hẹn hò giúp phụ nữ tìm sự giúp đỡ tài chính từ những người đàn ông đáng tuổi bố cô. Kashani bước vào mối quan hệ “bố nuôi” (sugar daddy) từ đó. Giờ đây, sau gần 3 năm với nhiều “bố nuôi”, Kashani sắp tốt nghiệp ĐH Villanova mà không còn nợ đồng nào, trong khi nhiều bạn học của cô vẫn đang chịu gánh nặng nợ nần 6 con số.

Khi học phí và giá thuê nhà tăng, những trang web kết nối như vậy ngày càng phổ biến đối với sinh viên. Nhưng chúng có thực sự mang lại giải pháp tài chính hay đẩy phụ nữ vào một kiểu bóc lột khác và nguy hiểm hơn cả nợ nần? Kashani tin rằng, những trang web như vậy là “tài nguyên lớn” cho các cô gái trẻ, nhưng những người khác cho rằng, kiểu quan hệ này không khác gì mại dâm và lợi dụng phụ nữ rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Bà Lynn Comella, phó giáo sư ngành nghiên cứu về giới tính và tình dục tại ĐH Nevada, cho biết, không ít nữ sinh viên dễ dàng chấp nhận làm những việc như múa thoát y, mại dâm hoặc “show hàng” qua webcam để trang trải chi phí học tập. Nhưng các trang web giúp sinh viên tìm “bố nuôi” là thứ tương đối mới. Kiểu thỏa thuận này mơ hồ hơn mại dâm vì có sự kỳ vọng vào lợi ích vật chất nhưng không phải lúc nào cũng được cụ thể hóa.

Kashani nói rằng, cô đã tìm hiểu nhiều người trước khi chọn một người. Cô nói mình coi “bố nuôi” là một trong những người bạn thân nhất và hai người quan tâm sâu sắc đến nhau. “Những người luôn kỳ thị và suy nghĩ tiêu cực sẽ không hiểu nó hoạt động như thế nào”, Kashani nói. Nhưng không giống hầu hết những quan hệ khác, Kashani nhận được khoản tiền đáng kể mỗi tháng để trang trải chi phí học hành và sinh hoạt.

Năm ngoái, nhiều sinh viên đại học Mỹ tốt nghiệp với khoản nợ trung bình 35.000 USD, và mức nợ tăng dần sau mỗi năm. Các học viên cao học nợ trung bình 75.000 USD, và những chương trình học dài hơn càng khiến sinh viên nợ nhiều hơn. Một sinh viên giấu tên ở ĐH Columbia tại New York cho biết, cô nhận được học bổng gần như toàn phần, nhưng không bao gồm chi phí sinh hoạt. Cô phải ở chung phòng với bạn cùng lớp, làm thêm với mức tiền công tối thiểu và làm bất kỳ công việc tự do nào kiếm được, nhưng vẫn chật vật với chi phí thuê nhà, tiền ăn và điện nước. “Tôi muốn kiếm được khoản tiền nhiều nhất có thể với nỗ lực ít nhất”, cô nói. Đó là lý do cô gái này tìm kiếm trên các trang như Craigslist, Backpage, SeekingArrangement… để tìm “bố nuôi”.

Trang SeekingArrangement cho biết, dịch vụ của họ được sử dụng nhiều nhất ở Los Angeles và New York. Chi phí thuê nhà bình quân ở hai khu vực này lên tới hơn 2.000 USD/tháng. Một sinh viên ĐH Columbia cho biết, cô vẫn sẽ duy trì quan hệ với “bố nuôi” sau khi tốt nghiệp vì muốn dành thời gian tìm việc và duy trì tình trạng thất nghiệp để hoãn phải trả khoản nợ 70.000 USD. “Có rất nhiều sự e ngại về đạo đức. Nhưng tình hình nhà cửa và chi phí học hành như thế nào thì mới dẫn đến điều này chứ”, cô nói.

Sinh viên và “bố nuôi” đến với nhau vì nhiều lý do và tự quyết định bản chất mối quan hệ của họ, nhưng nhiều người lên án họ là lợi dụng lẫn nhau, quá đề cao giá trị vật chất.

Theo Theo AP
MỚI - NÓNG