Mỹ phản đối hành động của Trung Quốc ở biển Đông

TP - Với sự đồng thuận tuyệt đối, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 20/11 thông qua nghị quyết phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có việc phát triển Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.
Mỹ phản đối hành động của Trung Quốc ở biển Đông ảnh 1

Trung Quốc từng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Nghị quyết mang mã số H.Res-714 (được đăng trên trang web của Quốc hội Mỹ) nêu ra hàng loạt hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông, khiến Mỹ và các nước trong khu vực quan ngại, như cắt cáp hai tàu thăm dò của Việt Nam khi hai tàu đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2011. Ba tàu quân sự Trung Quốc năm 2011 dùng súng đe dọa ngư dân 4 tàu đánh cá Việt Nam khi họ đang đánh bắt ở quần đảo Trường Sa. Cũng trong năm đó, một tàu hải quân Trung Quốc cảnh cáo một tàu hải quân Ấn Độ khi tàu này đang cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý với lý do vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc. Quốc vụ viện Trung Quốc năm 2012 cho thành lập thành phố Tam Sa để giám sát những khu vực mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Tổng Cty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc ngày 1/5 đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng nhiều tàu quân sự hộ tống vào vùng biển của Việt Nam…

  

Nghị quyết khẳng định, chính phủ Mỹ không ủng hộ những hành động đơn phương của bất kỳ bên liên quan nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng cách ép buộc, đe dọa hay sức mạnh quân sự. Chính phủ Mỹ cũng quan ngại sâu sắc trước bất kỳ hành động đơn phương của bất kỳ nước nào nhằm ngăn cản nước triển khai thực hiện các quyền chủ quyền đối với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa bằng cách đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực mà không dựa trên cơ sở rõ ràng của luật quốc tế; lập các khu vực hành chính và quân sự trong khu vực tranh chấp ở biển Đông và Hoa Đông; áp đặt lệnh cấm đánh bắt mới trong khu vực tranh chấp, khiến tình hình khu vực căng thẳng.

Cần thiết phải có Bộ quy tắc ứng xử

Vì thế, nghị quyết thúc giục ASEAN, các đồng minh và đối tác của Mỹ và tất cả các nước liên quan ở biển Đông và Hoa Đông giải quyết hòa bình và công bằng những tranh chấp này, trong đó có việc phát triển Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông. Nghị quyết cũng khuyến khích những nỗ lực liên tục của chính phủ Mỹ nhằm củng cố quan hệ với các đối tác trong khu vực, nhằm xây dựng năng lực nhận thức hàng hải để hỗ trợ quyền tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật quốc tế. 

Nghị quyết ủng hộ Mỹ tiếp tục các hoạt động ủng hộ quyền tự do hàng hải trong các vùng biển và không phận quốc tế trên biển Đông và Hoa Đông, đồng thời thúc giục Trung Quốc kiềm chế triển khai Vùng nhận dạng phòng không mà họ đã tuyên bố ở Hoa Đông đi ngược lại quyền tự do bay trên không phận quốc tế. Nghị quyết cũng thúc giục Trung Quốc kiềm chế để không có những hành động gây hấn tương tự ở các khu vực khác thuộc châu Á - Thái Bình Dương.

“Đức và EU có lợi ích sống còn với sự ổn định ở biển Đông”

Trong cuộc hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 21/11 ở TPHCM, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế & Năng lượng Đức Sigmar Gabriel nói rằng, những động thái ở biển Đông làm Đức lo ngại vì đây là nơi có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng với hơn 50% hàng hóa vận tải biển của thế giới; Đức cũng như châu Âu có lợi ích sống còn đối với sự ổn định ở khu vực này. “Quan điểm của Đức là phản đối việc sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp và các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế”, Phó Thủ tướng Gabriel phát biểu. Ông Gabriel sang Việt Nam dự Hội nghị doanh nghiệp Đức khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14. Ông Gabriel nói rằng, việc Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU sớm được phê chuẩn cũng như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sớm được ký kết sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho hoạt động hợp tác kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam và các nước EU, trong đó có Đức.

Huy Thịnh

ASEAN, Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ bảo đảm an ninh khu vực

Trong Hội thảo về Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Hàn Quốc: Hướng tới Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Hàn Quốc 2014 diễn ra hôm qua tại Hà Nội, các quan chức chính phủ, học giả và cộng đồng doanh nghiệp hai nước chia sẻ quan điểm, ý tưởng, thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc nói chung, cũng như giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng trên tất cả các lĩnh vực ưu tiên. Về chính trị-an ninh, ASEAN và Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ ủng hộ lẫn nhau hơn nữa trong nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Tiếp tục củng cố các tiến trình, khuôn khổ hợp tác trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm và dẫn dắt; cũng như góp phần ứng phó những bất ổn tiềm tàng trong khu vực như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề biển Đông. Đề cao sự cần thiết đảm bảo hòa bình, ổn định cho phát triển, sự cần thiết giải quyết hòa bình các mâu thuẫn/tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ, Công ước LHQ về Luật Biển, sự cần thiết yêu cầu tất cả các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động làm thay đổi nguyên trạng, làm gia tăng căng thẳng.


MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.